Tối 27/5 (giờ Pháp), Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera d’Or (Caméra Vàng, dành cho phim đầu tay xuất sắc) ở Liên hoan phim Cannes 2023. Sau bế mạc sự kiện, đạo diễn lần đầu trả lời phỏng vấn về quan điểm nghệ thuật và cuộc sống.
- Cảm xúc của anh khi nhận giải Phim đầu tay xuất sắc?
- Trong bài phát biểu đoạt giải ở Cannes, tôi nói tiếng mẹ đẻ với niềm tự hào là người Việt Nam. Năm 2015, tôi định cư ở Mỹ nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt.
Sau buổi họp báo khi lễ bế mạc kết thúc, lần đầu tiên tôi được gặp đạo diễn Trần Anh Hùng. Chúng tôi chúc mừng nhau. Ông nói với tôi: "Tốt quá rồi. Việt Nam năm nay hay quá". Tôi hết sức hãnh diện và vinh dự khi đoạt giải thưởng mà Trần Anh Hùng từng thắng 30 năm trước.
So với lần đầu nhận giải Illy nhờ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, thuộc Tuần đạo diễn ở Cannes 2019, lần này tôi được vinh danh trên sân khấu lớn hơn, có sự xuất hiện của nhiều đạo diễn, ngôi sao thế giới. Chiến thắng là động lực củng cố đam mê điện ảnh. Nhưng tôi thấy áp lực khi làm dự án tiếp theo.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân (trái, 34 tuổi), trò chuyện với Trần Anh Hùng (phải, 61 tuổi) - người đoạt giải Đạo diễn xuất sắc LHP Cannes 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin của đại học ở TP HCM. Từng làm nhiều nghề trước khi đi làm phim, điều gì thôi thúc anh gắn bó điện ảnh?
- Tôi làm điện ảnh với niềm đam mê và hứng thú, xuất phát từ bản năng. Toàn bộ ý tưởng lớn của kịch bản Bên trong vỏ kén vàng được tôi xem là "tiếng gọi thiêng liêng". Theo tôi, tiếng gọi ấy luôn tồn tại trong mỗi con người, xuất hiện ở nhiều thời điểm, bất kể bạn thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Từ sự thôi thúc bên trong đó, tôi xây dựng các nhân vật, dựa vào trải nghiệm, hành động của tôi trong quá khứ lẫn hiện tại. Tôi trân trọng điện ảnh vì giúp tôi thể hiện quan điểm của mình rõ nét nhất.
Phạm Thiên Ân phát biểu bằng tiếng Việt trên sân khấu bế mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 76. Video: Brut
- Anh miêu tả thế nào về "tiếng gọi thiêng liêng" của bản thân?
- Học xong đại học, khi tìm việc, tôi luôn thấy lạc lõng và cô đơn. Tôi chọn làm công việc dựng phim, vì muốn có thể cân bằng giữa yếu tố kỹ thuật và sở thích cá nhân. Rồi tôi bắt đầu học cách quay và dựng phim đám cưới, vì muốn mang lại nhiều cảm xúc trong mỗi thước phim. Công việc này mang tính sáng tạo hơn việc ngồi văn phòng. Nhưng rốt cuộc, nó cũng trở nên nhàm chán vì có những điểm hạn chế, chẳng hạn, tôi không được thỏa sức làm điều mình muốn mà phải chỉnh sửa theo ý kiến khách hàng.
Đó là lúc "tiếng gọi" bên trong khiến tôi dấn thân điện ảnh. Lĩnh vực này không có giới hạn, không có công thức hay quy tắc cụ thể nào. Điện ảnh cho phép các nhà làm phim tạo ra thế giới của riêng họ, nơi họ có thể làm bạn với nhân vật, cảm xúc, linh động thay đổi thời gian. Dần dần, khi làm nhiều phim ngắn, tôi nhận ra cần phải có sự chân thành với thế giới mình tạo ra. Vì thế, tôi đã lồng ghép cuộc sống, góc nhìn của bản thân vào phim ảnh.
Trailer phim "Bên trong vỏ kén vàng", phim dài gần ba tiếng. Tác phẩm phát triển từ phim ngắn "Hãy thức tỉnh và sẵn sàng" (Stay Awake, Be Ready) của nghệ sĩ, từng đoạt giải Illy thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2019. Video: YouTube Cercamon
- Các nhân vật của anh thường không có "hướng đi", không biết mình là ai, ở đâu. Điều này tiếp tục được anh lặp lại qua Thiện - nhân vật chính của "Bên trong vỏ kén vàng". Vì sao vậy?
- Câu chuyện của Thiện phản ánh con người tôi trước đây: Thích nhậu nhẹt với bạn bè, đi massage, vất vả với công việc quay và dựng video đám cưới, làm ảo thuật mua vui cho bạn bè, bị ám ảnh bởi một mối tình đã qua, đôi khi lang thang trong cõi mộng, về lại quê hương để tìm chút ký ức sót lại của quá khứ. Tuy nhiên, phim điện ảnh đầu tay của tôi không thuộc thể loại tự truyện hay hồi ký. Tôi nghĩ trải nghiệm cá nhân của tôi giống với nhiều người, chỉ khác ở hoàn cảnh.
Có thể nói, phim của tôi pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thực, siêu thực và ảo mộng. Tôi biết đến những khái niệm này sau khi xem tác phẩm của nhiều đạo diễn gạo cội như Luis Buñuel, Bela Tarr.
Cảm hứng làm phim của tôi đến từ tình yêu dành cho cội nguồn. Trong phim đoạt giải, tôi không có ý định tập trung thể hiện sự tương phản giữa thành thị - hiện đại và nông thôn - truyền thống trong xã hội Việt Nam. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Tây Nguyên trước khi vào TP HCM học tập và làm việc. Sự tương phản vùng miền đến với tôi một cách tự nhiên, khi tôi kết hợp yếu tố văn hóa, nhịp sống làng quê và đô thị.
Mục tiêu của tôi là để khán giả có trải nghiệm gần gũi hơn với văn hóa và con người ở mỗi vùng miền, điều này sẽ giúp họ đồng hành cùng nhân vật. Tuy nhiên, tôi không muốn áp đặt quan điểm lên khán giả, tôi muốn họ tự do tìm kiếm câu trả lời cho mỗi người khi xem hết tác phẩm.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân đang sống và làm việc tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Hình ảnh trong phim được truyền thông phương Tây và giới chuyên môn đánh giá tích cực. Quá trình cộng tác của anh với đạo diễn hình ảnh Đinh Duy Hưng diễn ra thế nào?
- Chúng tôi là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng nhau lớn lên ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Cả hai không gặp nhiều khó khăn hay xung đột trong công việc vì chúng tôi hiểu nhau thông qua ngôn ngữ điện ảnh và có chung quan điểm làm nghề. Bố cục và chuyển động máy quay của các cảnh không nên lạm dụng hiệu ứng kỹ xảo, cần dựa trên địa điểm có thật. Chúng tôi cố gắng tối giản và thể hiện tự nhiên nhất có thể trong mọi khung hình.
- Sau phim, cảm nhận lớn nhất của anh là gì?
- Làm việc với những người đồng nghiệp cũng là bạn bè mang lại cho tôi cảm giác tự do và học được nhau nhiều điều. Khi chúng tôi hoàn thành bộ phim, một số thành viên nói với tôi quá trình làm phim đã cho họ rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm họ không có được trong các dự án. Tôi hạnh phúc về điều đó.
Với tôi, mỗi người đều có thế mạnh riêng và nguồn năng lượng riêng để làm nên điều phi thường. Một bộ phim thành công khi những người làm ra nó cùng nhau cống hiến hết khả năng và niềm đam mê. Chúng tôi đều là những nhà làm phim không chuyên. Sự tò mò, muốn khám phá những điều mới lạ của tuổi trẻ đã đẩy chúng tôi đến giới hạn của mỗi người.
- Ai động viên anh những lúc gặp khó khăn?
- Vợ tôi. Cô ấy cũng là sản xuất và phụ trách thiết kế bối cảnh cho phim. Có đợt, tôi bỏ thời gian, công sức để chú trọng vào kỹ thuật và hình ảnh. Nhưng cô ấy khuyên tôi nên bớt tập trung những yếu tố đó, dành thời gian xây dựng niềm tin cho diễn viên với bộ phim và góp ý họ diễn xuất.
Vợ ủng hộ tôi ở mọi dự án. Cô ấy thích cùng tôi đi làm phim, khảo sát bối cảnh, xây dựng kịch bản. Tôi nghĩ vợ có cảm giác rất tốt về nội tâm nhân vật, chắc do là phụ nữ và luyện phim Hàn Quốc rất nhiều.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân và vợ - Huỳnh Phượng Hiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phạm Thiên Ân 34 tuổi, quê Bảo Lộc (Lâm Đồng), từng giành giải nhì cuộc thi Làm phim ngắn 48 giờ năm 2014. Năm 2018, phim Câm lặng (The Mute) của anh chiếu tại Liên hoan phim ngắn Quốc tế Palm Spring, được chọn tranh giải ở gần 15 Liên hoan phim Quốc tế như Winterthur, Tampere, Hong Kong, Encounters, Aspen. Phim ngắn Stay Awake, Be Ready (Hãy tỉnh thức và sẵn sàng) dài bảy phút, được quay chỉ với một cú máy, đoạt giải Illy ở Tuần lễ đạo diễn, hạng mục Director’s Fortnight Liên hoan phim Cannes 2019. Sau Cannes, tác phẩm được chiếu tại hơn 40 liên hoan phim quốc tế như Busan (Hàn Quốc), Locarno (Thụy Sĩ), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Milano (Italy), Vancouver (Canada).
Quế Chi