Mới đây, NSƯT Diệu Hiền đã chia sẻ một số kiến thức, quan điểm về nghệ thuật cải lương. Trước một số ý kiến cho rằng cải lương là sến, Diệu Hiền lên tiếng:
"Cải lương không hề sến. Cải lương là nghệ thuật của diễn xuất, ca hát, dành cho người diễn trên sân khấu. Nếu cải lương mà sến thì lấy đâu ra những cái mới để hát.
Nghệ sĩ cải lương từ người soạn giả tới người diễn đều luôn luôn phải sáng tạo, tìm tòi cái mới. Nếu sến thì làm sao tìm ra được cái mới.
Chẳng qua, cải lương là nghệ thuật bình dân, phục vụ cho mọi tầng lớp công chúng, người nghèo, người lao động, trẻ con cũng nghe được nên mới bị cho là sến. Nhưng cải lương cũng rất mới mẻ, đổi mới liên tục, không hề sến, cũ chút nào.
Nghệ sĩ Diệu Hiền
Tôi lấy ví dụ từ bạn tôi là NSND Bạch Tuyết. Mọi người thấy Bạch Tuyết có sến không? Nếu Bạch Tuyết mà sến thì làm sao sáng tạo được đến tận tuổi này, lúc nào cũng moi ra được cái nọ cái kia để hát, cập nhật xu hướng, nắm bắt thời đại rất nhanh nhạy.
Mỗi ngày tôi đều thấy Bạch Tuyết mới hơn, không bao giờ bị cũ. Bạch Tuyết mới không chỉ trên sân khấu, diễn xuất, ca hát mà ngoài cuộc sống cũng vậy. Ai ở gần Bạch Tuyết đều biết điều này".
Khi được hỏi quan điểm về thanh sắc trong nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền trả lời:
"Là nghệ sĩ cải lương, cái đầu tiên cần có là sắc vóc. Phải có sắc vóc với hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau. Tiếp đến, nghệ sĩ cải lương phải có âm thanh, giọng hát. Phải có đủ hai điều kiện này mới trọn vẹn sân khấu.
Còn yếu tố thứ ba nữa, đã là nghệ sĩ cải lương thì nhịp trong người phải chắc mới ca hay, biến hóa, đảo qua đảo lại, nhấn chỗ nọ chỗ kia được. Nhịp không vững thì hát chỉ đơ một chỗ, không linh hoạt, đảo đi đâu được. Phải có đủ ba yếu tố này mới trở thành nghệ sĩ cải lương được".
Về chương trình Chuông vàng vọng cổ, một cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương đang được chú ý hiện nay, nghệ sĩ Diệu Hiền cho biết:
"Tôi rất thích chương trình này. Vì có Bạch Tuyết làm giám khảo chấm cuộc thi này nên tập nào tôi cũng coi.
Tôi thấy khán giả thắc mắc về việc giám khảo đánh trượt một số thí sinh có giọng hát tốt chỉ vì hát chưa nhịp nhàng.
Điều này là hiển nhiên, đã đi thi là phải chấp nhận tham gia một cuộc chạy đua. Thí sinh đi thi phải cố gắng làm mọi thứ thật tốt, sai một chút cũng có thể bị loại, nên đừng nói rằng tiếc cho người này người kia, giọng hát hay nhưng vì lệch nhịp một chút mà bị loại.
Như đã nói, hát cải lương là phải cứng nhịp, chắc nhịp, ca đúng nhịp. Đó là điều kiện đầu tiên. Ca rớt nhịp thì không ai thông cảm được, coi như chấp nhận bỏ cuộc thôi.
Đã bước lên sân khấu thì không ai chờ đợi mình hết. Dàn nhạc vẫn cứ chơi, cảnh vẫn cứ chuyển, không ai đợi bạn lấy hơi xong để hát tiếp. Vì vậy, hát là phải vững hơi thở, chắc nhịp".