Bao kỷ niệm, bao ký ức, bao buồn vui… với người vừa nằm xuống cứ hiện về đong đầy, chứa chan… trong vô vàn những tiếc thương, xót xa, đau đớn.

Từ lúc biết tin người em thân thiết của mình qua đời, nhà viết kịch Lê Chí Trung như người mất hồn. Ông đã phải xóa tên NSND Anh Tú khỏi danh bạ điện thoại vì không thể chịu nổi sự thật nghiệt ngã mỗi khi nhìn thấy.

“Nhớ ngày đầu tiên anh xuất hiện trên sân khấu Hà Nội là lúc em đóng vai ông giáo trong vở “Người yêu của cha tôi” của anh ở Nhà hát Tuổi trẻ và tác phẩm cuối cùng của đời em cũng lại là “Thế sự” của anh.

Hơn 20 năm em còn chơi với anh nhiều vở, cả với tư cách diễn viên và đạo diễn. Hơn 20 năm bao nhiêu cuộc nhậu, có đêm mùa đông say túy lúy, em cởi khăn quàng cổ màu nâu đất quàng cho anh rồi bảo chú Như Lai đèo anh về Cổ Nhuế.

anh-tu-4-1545447710450739916759.jpg

Với nhiều người, nghệ sĩ Anh Tú là một người đáng trọng và đáng nể, cả về nhân cách lẫn tài năng.

Hôm anh vào bệnh viện thăm, em còn nói được nhiều và cứ giục anh về kẻo tắc đường. Lúc anh đến nhà thăm thì em đã nặng lắm rồi và mắt em buồn lắm. Anh biết ý nên bảo em mệt cứ nhắm mắt mà nghỉ. Anh xuống nhà nói chuyện với bố mẹ em, lúc quay lên thì em vờ nhắm mắt. Anh bảo Quang - chồng Hương “quắt” đi về để cho em ngủ nhưng lúc lên xe anh bảo em chỉ giả vờ nhắm mắt để giấu đi những dòng nước mắt. Tú ơi…”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng bày rỏ rằng: “Xem kịch, xem phim anh đóng vai chính nhiều. Xem vở diễn anh làm đạo diễn. Ngất ngây cảm phục một tài hoa. Nhưng, lâu lâu mới gặp anh Anh Tú. Anh em thấy nhau, chào theo kiểu bên này đấm vai bên kia một cái không thừa một câu nói xã giao. Và lần nào, cũng là câu rất cũ “Viết kịch bản sân khấu cho anh đi em. Truyện ngắn của em, nhiều cái hợp sân khấu”… và rồi, tôi luôn lỡ hẹn với anh.

Giờ thì không còn nghe được giọng nói ma lực của anh. Không nhìn được vào đôi mắt vời vợi đầy tâm tư cho sân khấu, phim ảnh của anh. Hôm nay đọc tin anh ra đi, chỉ biết ngồi lặng và rét. Tự nhiên rét run và buồn quặn ruột, mắt đầy nước giữa một ngày Hà Nội nắng hanh vàng đẹp vô cùng. Mọi người đang chuẩn bị đón Tết. Phố phường rộn rã cờ hoa. Dòng đời ngoài kia xuôi ngược. Những rạp hát vẫn sáng đèn và những vở diễn cháy cùng đạo diễn, diễn viên. Ai cũng phải sống và đi tiếp con đường của họ. Đời là thế!

Vĩ nhân hay kẻ ăn mày, quan chức giàu có hay nghệ sĩ vì dân cũng đến ngày sang kiếp khác, chỉ hơn nhau ở lúc sống tử tế và làm ra những giá trị để lại. Và, họ gây nhớ thương với dư âm về sự tử tế, nhân văn mãi lưu truyền nơi trần thế.

Vui, buồn, hạnh phúc hay đắng cay, chỉ ý nghĩa khi ta còn sống và những sản phẩm ta để lại cho đời sau thay vì bị nguyền rủa bởi những điều ác ta làm và con cháu ta ở lại gánh hậu quả.

kim-oanh-15454471461331903428858.jpg

Một cảnh của nhân vật do nghệ sĩ Anh Tú và nghệ sĩ Kim Oanh đảm nhận trong phim "Chiều ngang qua phố cũ".

Với Anh Tú, anh không còn người anh, người nghệ sĩ tài hoa mà tôi đã quen thân, người gắn bó cùng tôi từ phim “Của để dành” đến “Ánh sáng trước mặt” mà là một nghệ sĩ bất tử.

Em và mọi người sẽ nhớ anh lắm, anh Anh Tú ạ! Đau nhất là khi em muốn nói chuyện với anh nhưng không biết tìm anh ở đâu mà nói, anh biết không? Siêu thoát và che chở cho gia đình, người thân ở lại, anh Anh Tú nhé!”.

Nghệ sĩ Minh Trang, người từng đóng chung với nghệ sĩ Anh Tú phim “Chiều ngang qua phố cũ” dù đang ở Singapore nhưng vẫn không ngớt buồn thương cho người nghệ sĩ “tài hoa bạc mệnh”. Chị cho biết, chị với nghệ sĩ Anh Tú không cùng nhà hát nhưng chị luôn nể phục nam nghệ sĩ vì lòng say nghề và sự cống hiến không mệt mỏi. Nhưng trên hết là cái tình.

“Khi biết tin đạo diễn Trịnh Lê Phong mời mình về làm phim “Chiều ngang qua phố cũ”, Tú đã rất vui và nhắn mình giữ sức khỏe cũng như cố gắng về để làm việc với nhau. Mình về, Tú đã đón tiếp mình như những người thân trong gia đình.

Buổi đầu gặp trở lại sau mấy chục năm xa nhau nhưng cứ ngỡ như mới ngày nào chúng mình cùng mới ra trường, đứa về Nhà hát Kịch Hà Nội, đứa về Nhà hát Tuổi trẻ... Tú đã tổ chức bữa ăn ở một chỗ rất đẹp, ngồi trên cao nhìn xuống phố Hà Nội cùng Kim Oanh và một số bạn diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam. Lúc ấy, hai đứa mới thực sự có nhiều thời gian nhắc lại những kỷ niệm hồi xa xưa với những vở kịch và vai diễn của nhau, rồi còn hẹn nhau sẽ có ngày nào đó hai đứa sẽ cùng cộng tác để tôi có dịp trở lại sân khấu Hà Nội...

Biết tin Tú bệnh, tôi đã gọi điện và nhắn tin cho Mai - vợ Tú, Mai nói Tú rất vui và hẹn khi nào bạn “phong độ” lại chúng mình sẽ FaceTime nói chuyện. Vậy mà Tú không chờ và giữ những gì hai đứa đã nói với nhau. Chắc rằng, ở nơi xa ấy, Tú vẫn tỏa sáng như ngôi sao không bao giờ tắt”.

NSƯT Kim Oanh là một người em, người học trò thân thiết nhất với NSND Anh Tú. Lúc biết tin, nam nghệ sĩ đã trút hơi thở cuối cùng, chính chị là người đã nức nở, nghẹn ngào… gọi điện đi báo tin cho bạn bè và đồng nghiệp thân thiết của anh.

Kim Oanh chi sẻ rằng, từ khi mới chập chững bước vào nghề, chị đã được nam nghệ sĩ chỉ bảo từng chút, từng chút một. Nghệ sĩ Anh Tú dạy chị cách diễn màu sắc, cách diễn trả về tự nhiên đầy tinh tế. Anh còn dạy cho chị cách biểu cảm nhiều trạng thái cảm xúc ngay trong một tình huống kịch và giờ đây người anh ấy đã đi về miền cực lạc.

“Xin cám ơn đời đã cho tôi được gặp anh. Xin cám ơn anh đã cho em một thanh xuân rực rỡ, lấp lánh nhiều giải thưởng và thành công. Xin cám ơn vì tất cả. Cầu mong linh hồn anh được siêu thoát”, Kim Oanh xúc động viết.

quach-thu-phuong-15454471461372032139782.jpg

Nghệ sĩ Anh Tú (đứng giang tay) và diễn viên Quách Thu Phương (váy đen hàng đầu) cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ trong đợt lưu diễn cùng nhau.

Nữ diễn viên Quách Thu Phương cũng chính là người đã từng được nghệ sĩ Anh Tú truyền lửa đam mê sân khấu.

“Anh! Một người anh, một người thầy, người truyền lửa đam mê sân khấu cho tôi và bao thế hệ. Anh đã cho tôi niềm tin cũng như sự tự tin vào bản thân khi xung quanh tôi là những ánh mắt không mấy thiện cảm. Cầu chúc anh nơi ấy bình an”, nữ diễn viên nhắn gửi.

Quách Thu Phương kể, chị vẫn còn nhớ, vào một buổi trưa, khi đoàn đang đi lưu diễn tại Thanh Hoá, nghệ sĩ Anh Tú có gọi mọi người trong đoàn ra chia sẻ về kế hoạch sắp tới làm vở tốt nghiệp khóa đạo diễn với vở kịch thơ “Kiều Loan” của thi sĩ Hoàng Cầm. Chúng tôi nghe anh say sưa nói mà đứa nào cũng há hốc mồm vì quá hay.

Đến khi anh nói “Vai này tôi dành cho cô, chỉ có cô thôi” thì “ôi thôi”, tôi đã sướng phát điên lên được. Nhưng vì lúc đó chưa được cầm kịch bản, không biết kịch thơ thì sẽ nói thế nào đây nên mừng đấy, vui đấy… nhưng cũng lo lắng nhiều lắm. Tôi rụt rè hỏi anh “Liệu em có đảm đương được không anh?” vì tôi biết vở này rất quan trọng với anh, ngoài là vở tốt nghiệp của anh còn đưa vở chính thức thuộc về nhà hát để công diễn.

Vẫn là câu nói ấy: “Sao lại không làm được, không những làm được mà còn làm hay”. Vậy là những buổi làm kịch bản, những buổi nói chuyện, phân tích từng câu chữ (nhất là những câu chữ cổ) của anh đã ngấm vào tôi lúc nào không hay.

Một vở kịch thơ dài hai tiếng diễn trên sân khấu mà tôi đã thuộc làu sau một ngày, trước sự kinh ngạc của bản thân và mọi người. Sau đó là những ngày tháng quên giờ giấc, lăn lộn trên sàn tập với mồ hôi, máu và nước mắt của thầy trò tôi. Ăn thơ, ngủ thơ, đi đâu, nhìn đâu cũng thấy thơ là có thật. Và khi ta dành tình yêu thật sự để làm một điều gì đó thì cái ta nhận được cũng thật xứng đáng”, Quách Thu Phương tâm sự.

Hà Tùng Long

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022