Sau 12 lần tổ chức thành công, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam đã trở thành điểm hẹn văn hóa ý nghĩa về phim tài liệu. Năm nay, cùng với nước chủ nhà Việt Nam, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 13 có 7 quốc gia tham dự là: Áo, Bỉ (vùng Wallonie – Bruxelles), Đức, Italy, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Phần Lan. Liên hoan năm nay quy tụ 19 tác phẩm phim tài liệu đặc sắc, với 7 bộ phim quốc tế và 12 phim Việt Nam. Trong đó, có 9 bộ phim của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cùng 3 bộ phim của các tác giả độc lập.
Các bộ phim tham dự Liên hoan phim năm nay được đánh giá cao, với đề tài đa dạng, phong phú như: biến đổi khí hậu, giải phóng phụ nữ, bảo vệ môi trường, những rủi ro của thời đại số… Nhiều bộ phim đã đạt giải thưởng quốc tế, với các đề cử lớn ở các kỳ liên hoan phim quốc tế. Các bộ phim Việt Nam tham dự Liên hoan Phim tài liệu lần thứ 13 đa phần được thực hiện bởi những đạo diễn trẻ tài năng. Đặc biệt, có nhiều bộ phim từng đạt những giải thưởng lớn như giải Cánh Diều Vàng hoặc có những bộ phim đã được đề cử giải Oscar 2023, tiêu biểu là bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm.
Theo ông Trịnh Quang Tùng – Phó Tổng giám đốc phụ trách Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, các kỳ Liên hoan phim tài liệu được tổ chức hàng năm là “sân chơi” bổ ích cho các nhà làm phim trẻ được học hỏi, trau dồi kiến thức và thể hiện tài năng trong lĩnh vực sản xuất phim tài liệu.
"Không chỉ riêng các bạn trẻ học trường nghệ thuật mà các bạn trẻ khác cũng rất thích làm phim tài liệu. Nên đây là cơ hội vừa học tập nhưng vừa có thể thể hiện mình. Tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt để học tập và giao lưu, còn các bạn ở các trường nghệ thuật thì thông qua những sự kiện này, các bạn cũng được biết mình cần gì, nên thế nào. Bởi vì các hãng phim, đặc biệt là phim tài liệu đòi hỏi nhận thức cũng như cách làm rất khác những thể loại khác. Nếu không đam mê, không yêu và không thấy các vấn đề mà mình cần phản ánh, truyền tải mà cứ thờ ơ với cuộc sống, thờ ơ với xã hội thì chắc chắn là không có những tác phẩm hay. Điều đấy rất cần với những sinh viên học nghề chuyên nghiệp", ông Trịnh Quang Tùng cho biết.
Nội dung 7 bộ phim của các nước châu Âu tham gia Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 13 đều hướng tới chủ đề mang tính toàn cầu, được xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường và chung sống hòa bình với thiên nhiên. Nổi bật, có các bộ phim “Vesuvio hoặc cách họ học cách sống giữa các núi lửa” của Italy; bộ phim “Rác ơi về đâu” của Áo và bộ phim “Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu” của Anh.
Các chuyên gia và các nhà làm phim đánh giá đây là sự kiện giao lưu văn hóa ý nghĩa, bởi mỗi bộ phim tham dự Liên hoan phim năm nay tuy mang thông điệp riêng, nhưng nhìn chung khán giả yêu điện ảnh tài liệu sẽ có cơ hội để khám phá thêm về đất nước, con người và những nền văn hóa khác nhau.
Ông Oliver Brandt – Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội nhận định: "Viện Goethe nhìn thấy tầm quan trọng của phim tài liệu ở Việt Nam và rất vui khi mô hình tổ chức liên hoan phim càng nhấn mạnh được tầm quan trọng của thể loại phim này. Các nhà làm phim tài liệu Việt Nam được nâng tầm, bằng cách giới thiệu những bộ phim tài liệu Việt Nam trong liên hoan này. Những bộ phim tài liệu từ châu Âu sẽ góp cách tiếp cận khác về những chủ đề hiện thực đang diễn ra ở châu Âu. Tôi cũng rất vui khi qua các lần liên hoan phim nhìn thấy sự quan tâm của khán giả đối với phim tài liệu, không chỉ ở phim tài liệu Việt Nam mà cả các phim tài liệu từ châu Âu".
Nối tiếp những thành công của các kỳ trước, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 13 là hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, tạo điểm nhấn trong hành trình hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh. Các kỳ liên hoan phim tài liệu được tổ chức hàng năm ở Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành “điểm hẹn” văn hóa ý nghĩa trong lĩnh vực phim tài liệu đối với khán giả trong nước và quốc tế.