Đến ngày 20/2, không khí tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vẫn vô cùng náo nhiệt trước sức hút của bộ phim Đào, phở và piano. Hiện tại, đây vẫn là nơi duy nhất chiếu bộ phim này, do đó lượng khán giả là rất lớn, nhiều khán giả đã phải tới tận nơi để mua vé do trang web của Trung tâm quá tải.
Hiện tượng có 1-0-2 tại phòng vé Việt
Tính đến thời điểm chiều 20/2, đã có hơn 13.000 vé được bán ra dành riêng cho Đào, phở và piano. Doanh thu ước tính là gần 700 triệu đồng - một con số không tưởng đối với phim do Nhà nước đặt hàng và chỉ chiếu tại một rạp phim duy nhất.
Chia sẻ với Thời báo VTV, bà Mạc Thuỷ - Trưởng phòng Chiếu phim và Trưng bày điện ảnh tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - cho biết bất ngờ trước sự đón nhận của khán giả dành cho Đào, phở và piano.
"Có thể coi đây là một hiện tượng có 1-0-2 tại rạp chúng tôi" - bà Mạc Thuỷ cho biết - "Những ngày này, chúng tôi đều rất vất vả khi phải theo sát nhu cầu khán giả. Những bộ phận chuyên môn hoặc những bộ phận liên quan tới phòng chiếu, máy chiếu đều phải tăng ca, hoạt động hết công suất, mở thêm nhiều suất chiếu để đáp ứng lượng khách lớn. Chúng tôi đều làm việc với cường độ cao trong thời điểm hiện tại".
Khán giả xếp hàng dài vào chiều 20/2 để mua vé xem "Đào, phở và piano" tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Thực tế là Đào, phở và piano đã được chiếu từ mùng 1 Tết Giáp Thìn. Trong bảy ngày đầu tiên, phim chỉ có 3 ca chiếu một ngày ở những phòng chiếu nhỏ. Tuy nhiên, từ mùng 8 Tết (17/2), bộ phim đã được tăng ca chiếu do khán giả có nhu cầu xem phim nhiều hơn. Kể từ mùng 10 Tết (19/2), số suất chiếu đã tăng lên 18 ca/ngày và được chiếu ở các phòng lớn nhất tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Đối với khán giả, để sở hữu một tấm vé xem phim trong thời điểm này là việc vô cùng khó khăn. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn so sánh việc đặt mua vé Đào, phở và piano với việc "săn vé" xem concert của các thần tượng K-Pop.
Bích Phương (sinh năm 2003) chia sẻ: "Em thích lịch sử và chủ đề phim khá hay khiến em muốn đi xem. Em và các bạn đã phải "canh" vé nhiều ngày liền để có thể xem phim và cũng chỉ mua được ba vé mà thôi".
Khán giả đến xem "Đào, phở và piano" tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, chiều 20/2.
Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn khán giả có mặt tại rạp để xem Đào, phở và piano - một bộ phim về thời chiến - là các bạn trẻ. Nhiều bạn thừa nhận lý do quyết định ra rạp là bởi sự tò mò. "Em chưa từng xem bộ phim chiến tranh nào cả. Khi đọc được về bộ phim trên mạng, em tò mò về lý do khiến phim được chú ý đến như vậy và cũng muốn xem thử" - Lan Anh (sinh năm 2003) chia sẻ. Cũng giống như Lan Anh, Hiền Minh tỏ ra vô cùng bất ngờ và háo hức muốn thưởng thức một bộ phim dù không được quảng bá rộng rãi nhưng vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả hiện nay.
"Phim chất lượng sẽ tiếp cận được với giới trẻ"
(Ảnh: Công ty Cổ phần Phim truyện 1)
Phản ứng của khán giả, đặc biệt là giới trẻ, đa phần đều tỏ ra khá tích cực đối với Đào, phở và piano. Nhiều khán giả thừa nhận đã khóc và xúc động khi thấy những thước phim hào hùng kể lại câu chuyện kháng chiến của đất nước ta.
"Em choáng ngợp khi được chứng kiến những cảnh phim chân thật trong bộ phim này. Khi xem phim, em đã vô cùng xúc động và nước mắt tự chảy ra. Ở mỗi phân cảnh cao trào, em đều rùng mình và trong lòng luôn rạo rực lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Đó là cảm xúc khác biệt nhất khi lần đầu em thưởng thức một bộ phim về đề tài chiến tranh" - Lan Anh chia sẻ.
Hiền Minh - một trong những khán giả "may mắn" sở hữu tấm vé xem phim - cho biết: "Bộ phim giúp em cảm nhận một cách rõ nét hơn về thời chiến. Bộ phim cũng đẩy lòng tự hào dân tộc lên cao trào nhất".
Tuy nhiên, đối với một vài khán giả, phim vẫn có những điểm trừ nhất định. "Có lẽ em kỳ vọng hơi cao nên với em, phim ở mức vừa phải" - Linh (sinh năm 2005) chia sẻ quan điểm của bản thân. Bên cạnh đó, một số khán giả khen ngợi sự đầu tư của Đào, phở và piano về mặt âm thanh, chất lượng và bối cảnh khiến phim trở nên hào hùng, khơi gợi cảm xúc trong lòng khán giả hơn.
Khán giả xếp hàng dài vào chiều 20/2 để mua vé xem "Đào, phở và piano" tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Nhận định về lý do cho sự thành công của bộ phim này, bà Mạc Thuỷ cho rằng có hai yếu tố chính: "Phim lấy đề tài chiến tranh và về Hà Nội và được chiếu trong dịp mùa xuân, đây là một lý do thu hút giới trẻ. Yếu tố thứ hai là truyền thông, khi thông tin về phim được lan truyền rất nhiều trên mạng xã hội dẫn tới các bạn trẻ có thể tiếp cận nhanh hơn".
Cùng chiếu song song với Đào, phở và piano là Hồng Hà Nữ Sĩ, cũng là một bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, so với phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn, Hồng Hà Nữ Sĩ lại có phần "lép vế", không nhận được sự quan tâm tương tự của khán giả. Giải thích về vấn đề này, bà Mạc Thuỷ cho rằng đây là "cái duyên" của từng phim và hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của công chúng.
"Tôi không nghĩ có sự khác biệt về phim Nhà nước hay phim tư nhân. Miễn là cách làm phim có thể tiếp cận số đông khán giả, công tác truyền thông tốt cũng như bản thân bộ phim cũng phải thật chất lượng thì sẽ tiếp cận được với giới trẻ" - bà Mạc Thuỷ cho biết - "Tôi tin rằng những đề tài về chiến tranh và về những năm tháng đất nước xưa cũ vẫn sẽ thu hút được khán giả. Điều quan trọng là cách kể chuyện của phim làm sao để có thể ghi dấu ấn cho giới trẻ".
"Đào, phở và piano" là phim điện ảnh do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất, được thực hiện bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Bộ phim kể câu chuyện tình yêu của một anh tự vệ và tiểu thư Hà thành trong bối cảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 - 17/2/1947) bảo vệ Thủ đô. Khi gặp lại nhau, họ chỉ còn ít giờ làm đám cưới, chơi cho nhau nghe bản nhạc tình yêu và tận hưởng niềm hạnh phúc của vợ chồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!