Hóa thân thành Khải - người chồng vũ phu, nghiện cờ bạc trong bộ phim đề tài gia đình, Trọng Hùng gây ấn tượng với khán giả bởi lối diễn xuất giàu cảm xúc. Trên mạng xã hội, người xem nhận xét từng ánh mắt, cử chỉ, phong thái của anh đều chân thực, ám ảnh.
Trọng Hùng nói anh hay được chọn vào vai bặm trợn vì ngoại hình cao lớn, ngày một phát tướng. Dù ít có cảnh khắc họa nội tâm, diễn viên thể hiện diễn biến cảm xúc nhân vật qua từng cử chỉ, lời thoại. Vào vai Khải, anh để râu dài, tóc tai bù xù, mượn của chú, bác nhiều bộ quần áo cũ để tạo vẻ lếch thếch, xuề xòa. Ngoài ngoại hình, anh còn dành nhiều thời gian nghiên cứu tâm lý nhân vật. Trước khi phim bấm máy, Trọng Hùng ngồi phân tích vai diễn cùng êkíp. "Khán giả chỉ nhìn thấy Khải không xứng với Huệ, nhưng không biết vì sao họ lại đến với nhau. Khải vốn là người hiền lành, tử tế, hay tự ti về gia cảnh nghèo khó. Anh ta yêu vợ thật lòng, theo đuổi cô mấy năm mới cưới được Huệ. Tâm lý nôn nóng, muốn nhanh đổi đời đẩy anh ta vào con đường cờ bạc, dẫn đến bi kịch gia đình", Trọng Hùng nói.
Khải gây tai nạn trong tập 41 của phim.
Khi đóng Khải, anh muốn khán giả "từ ghét chuyển thành thương", đồng cảm với nhân vật. Sau hơn một nửa bộ phim, Khải là một trong những nhân vật được khán giả quan tâm nhất. Ảnh chế, các video của anh tràn ngập trên mạng xã hội. Ngoài những bình luận tiêu cực từ anti-fan, diễn viên gần đây nhận được nhiều phản hồi tích cực. Một khán giả thậm chí gọi điện cho êkíp, đề nghị được trả nợ thay Khải, khiến anh cảm động.
Trước Khải, Trọng Hùng từng được khán giả biết đến qua vai Trần Tuấn trong Người phán xử - gã giang hồ đô con, "tay nhanh hơn não", tính tình bộc trực. Để hóa thân thành nhân vật, anh tăng hàng chục kg, để đầu trọc, râu dài. Diễn viên tạo điểm nhấn cho ngoại hình nhân vật bằng cách nhuộm râu bạc.
"Trần Tuấn vốn là đứa trẻ mồ côi, muốn cùng em trai gây dựng chỗ đứng trong giang hồ. Bản tính nóng nảy khiến anh ta nhiều phen rước họa vào thân. Tôi tập trung lột tả ánh mắt điên loạn, điệu bộ say xỉn, những trận gào thét... của anh ta mỗi khi gặp việc không như ý. Trần Tuấn dùng sức nhiều hơn dùng não nên điệu bộ lúc nào cũng hùng hổ, bặm trợn", Trọng Hùng nói về nhân vật trong Người phán xử.
Trái với vẻ dữ tợn trên màn ảnh, ngoài đời, Trọng Hùng nói chuyện rủ rỉ, hiền lành, gây thiện cảm với người đối diện bởi điệu cười tít mắt. Bạn diễn Thu Quỳnh nhận xét anh "ngố ngố" trong khi Trọng Hùng tự gọi mình là "trai quê", "hai lúa".
Gia đình vốn không có ai làm nghệ thuật, anh chỉ tình cờ đến với điện ảnh. Sinh năm 1989 ở thành phố Vinh (Nghệ An), Trọng Hùng tâm sự anh thiệt thòi vì từ bé không có điều kiện tiếp xúc với môi trường nghệ thuật. Hồi nhỏ, anh hâm mộ bộ phim Đội đặc nhiệm nhà C21 và ước mơ trở thành diễn viên vì suy nghĩ: "Nếu bố mẹ nhìn thấy mình trên tivi thì thích nhỉ".
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, anh bày tỏ mong muốn thử sức với môn nghệ thuật thứ bảy và được bố mẹ chấp nhận. "Đó là lần đầu tôi chân ướt chân ráo ra thủ đô Hà Nội, khi ấy, tôi mới biết thí sinh dự thi phải nói tiếng Bắc trong vòng năng khiếu. Tôi khá lo lắng nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Hàng ngày, tôi ra những chỗ đông người như quán cơm, hàng trà đá trò chuyện để học cách phát âm phổ thông. Khi về đến phòng, tôi cũng không dám thực hành với người thân vì sợ mọi người cười, trêu 'đua đòi', chỉ dám tự nhẩm trong đầu". Khi diễn xong tiểu phẩm sơ khảo, trò chuyện với thầy Phạm Trọng Thành, anh lại run, nói tiếng Nghệ An khiến ban giám khảo cười ồ lên. Ở vòng chung khảo, Trọng Hùng được NSND Hoàng Dũng, Lê Khanh... đánh giá cao bởi diễn xuất hình thể.
Diễn viên Trọng Hùng ngoài đời. |
Diễn viên thấy mình may mắn vì trúng tuyển, được vào lớp do NSND Lê Khanh chủ nhiệm, học cùng nhiều người bạn như Bảo Thanh, Doãn Quốc Đam, Đỗ Duy Nam. Tốt nghiệp, anh đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ. Sau vài năm, anh rút khỏi cơ quan, tập trung đóng phim truyền hình và kinh doanh. Diễn viên thừa nhận anh gặp áp lực "cơm áo gạo tiền" sau khi lập gia đình.
Trong cuộc sống hôn nhân, Trọng Hùng là mẫu người truyền thống, yêu vợ, thương con. Diễn viên kết hôn năm 2017, hiện có hai con trai. Vợ anh làm công việc hành chính tại quê nhà ở Vinh (Nghệ An). Mỗi khi trống lịch quay, anh tranh thủ bắt xe khách về thăm vợ con. Ở nhà, anh thích đi chợ, vào bếp, có tài nấu các món hải sản, gà. Anh còn biết cách cắt, tỉa rau củ để trang trí món ăn. Trọng Hùng tự gọi mình là "ông bố bỉm sữa", nhiều lúc bối rối vì những việc như dỗ dành, ru hai con ngủ.
Sống ở Hà Nội một mình, Trọng Hùng không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Anh dành nhiều thời gian đọc sách về điện ảnh, phân tích cảm xúc nhân vật. Nhiều lần, khán giả ngạc nhiên vì bắt gặp anh đi xem phim ở rạp một mình. Trọng Hùng hâm mộ điện ảnh Hàn Quốc, đặc biệt là các bộ phim hành động, thần tượng tài tử Jang Dong Gun. Khi xem các phim đề tài xã hội đen của Hàn, anh ấn tượng với những vai phụ, chỉ xuất hiện trong một vài phân đoạn nhưng có cá tính, màu sắc.
Khi được hỏi về dự định sau vai Khải, Trọng Hùng cho biết anh mong muốn hóa thân nhân vật chính diện. "Tôi từng đóng vai người yêu cũ của cô chị cả trong Khi người đàn ông góa vợ bật khóc - phim truyền cảm hứng cho Về nhà đi con. Tôi không sợ xấu xí hay bị khán giả ghét nhưng mơ ước được lột xác với dạng vai mới. Trên cả sự nổi tiếng, đó là niềm hạnh phúc khi được vẫy vùng với nhiều kiểu nhân vật trên phim trường", Trọng Hùng nói.
Hà Thu