Khuyến cáo từ một tổ chức người tiêu dùng
Thông tin trên trang Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông, tổ chức này vừa kiểm tra 15 loại sữa bột công thức dành cho trẻ em và phát hiện các mẫu này đều nhiễm chloropropanediol (3-MCPD) - một loại hóa chất làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản của các bé trai khi trưởng thành và 9 mẫu sữa bột được phát hiện có chứa chất gây ung thư glycidol. Đáng nói là trong những mẫu sữa chứa chất độc hại này có các nhãn hàng thuộc thương hiệu nổi tiếng như Wyeth, Mead Johnson, Abbott, Meiji…
Một số sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ của Nhật được người tiêu dùng ưa chuộng ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Theo kết quả này, 15 mẫu sữa có chất 3-MCPD với hàm lượng dao động từ 13 - 120 microgram/kg. Trong đó, sữa bột Bellamy's Organic của Úc chứa chất 3-MCPD hàm lượng cao nhất 120 microgram/kg. Còn chất gây ung thư glycidol được tìm thấy dưới dạng glycidyl ester (GE) trong thành phần sữa bột dành cho trẻ em. Cụ thể, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh Smart Baby của Hãng Snow Brand sản xuất tại Úc có hàm lượng GE 29 microgram/kg, sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh Meiji (Nhật Bản) với 27 microgram/kg.
Trong khi đó, quy định của EU về sữa bột, giới hạn của GE trên mỗi kg là 50 microgam. Tức các kết quả trên đều nằm trong mức cho phép của EU. Ngoài ra, tổ chức này cũng cho rằng, hàm lượng vitamin B12 thực tế của sữa bột Meiji Infant Formula ít hơn 30% so với hàm lượng ghi trên nhãn, cả hai đều vượt quá giới hạn sai số theo quy định...
Kết quả kiểm tra các chất gây ung thư như GE có trong sữa chưa vượt quá chỉ số cho phép của EU, song Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đã kêu gọi chính quyền cân nhắc việc đưa ra các tiêu chuẩn và quy định về an toàn thực phẩm có liên quan ở đặc khu này. Tuy nhiên, thông tin này đã gây hoang mang lo lắng cho không ít bà mẹ đang nuôi con bằng sữa công thức.
Bỏ dở hộp sữa vì lo sợ
Sáng 21.8, tại cửa hàng sữa B.C trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM), chị Thanh, đang nuôi con 6 tháng tuổi, vào cửa hàng này mua sữa cho con, khá băn khoăn khi cho biết con gái của chị “hạp” sữa Nhật, nay nghe sữa Nhật ở Hồng Kông có chất ung thư, thấy lo lắng nên ra đây mua sữa Nan cho con uống, bỏ dở hộp sữa Nhật mới mua 2 ngày trước.
Chị Trần Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Nguyễn Quý Đức (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cũng thông tin lượng sữa nhập bán ra mỗi ngày có giảm. Trước đây mỗi ngày bán được 10 hộp sữa ngoại thì nay chỉ bán được 6 hộp. 3 ngày nay, khi có thông tin một số sản phẩm sữa có chất gây ung thư, nhiều khách hàng hay mua sữa Meiji, Similac đã chuyển hướng sang mua sữa bột nội địa của Vinamilk hoặc sữa nước của TH True Milk, Mộc Châu...
Chị Hương nói: “Chúng tôi cũng chưa thấy thông tin hay động thái phản hồi của nhà phân phối. Nếu có, chúng tôi sẽ dán thông báo để người tiêu dùng yên tâm”.
Đó là chuyện nội địa Hồng Kông
Tuy nhiên, một số cửa hàng bán sữa nhập tại TP.HCM lại hầu như không quan tâm hoặc phớt lờ khuyến cáo từ tổ chức người tiêu dùng ở Hồng Kông. Sáng 21.8, khảo sát tại nhiều cửa hàng chuyên bán sữa ngoại nhập dành cho trẻ em tại một số quận khu vực TP.HCM, các thương hiệu sữa bột dành cho trẻ đến từ Nhật chiếm phần lớn trên các quầy kệ, kế đó là các loại sữa của Úc, Mỹ, Pháp, New Zealand...
Phổ biến sữa Nhật với các hãng Glico, Meiji, Morinaga, giá thường trên 500.000 đồng/hộp từ 800 gr. Với các thương hiệu sữa được Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông dẫn chứng trong báo cáo, chỉ có sữa của Meiji được bán khá phổ biến.
Theo nhân viên bán hàng, trong mùa dịch, các bà mẹ chọn mua hàng giao tại nhà nhiều hơn đến mua trực tiếp tại cửa hàng. Trong đó, mấy năm gần đây, các nhãn hàng sữa nội địa từ châu Á như sữa Nhật với các nhãn hàng Morinaga, Meiji, Wakodo...; sữa nhập từ Úc thương hiệu S26; sữa Physiolac, Aptamil (Pháp)... cũng được ưa chuộng. Đáng lưu ý, khi được hỏi về thông tin các nhãn hàng sữa bị Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông khuyến cáo có chứa chất ung thư, đa số nhân viên bán hàng tại các cửa hàng này đều lắc đầu bảo “không quan tâm”, thậm chí không biết.
Người bán hàng tên T.H tại cửa hàng trên đường Âu Cơ nói: “Em chưa nghe chủ thông tin về việc này. Nhưng em nghĩ không liên quan hàng nhập về Việt Nam do các loại sữa này nhập trực tiếp từ Nhật, không phải nhập từ Hồng Kông”.
Nhân viên tên T.T tại cửa hàng sữa K.P trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) khẳng định đã đọc kỹ thông tin trên và nói chắc như đinh đóng cột: “Đó là chuyện nội địa Hồng Kông, do vùng này chưa có quy định về hàm lượng các chất có trong sữa bột dành cho trẻ em nên chính quyền đã buông lỏng quản lý. Việc này không liên quan hàng trong nước, nên chị hãy là người tiêu dùng thông minh để tránh bị nhầm lẫn thông tin”.
Tại điểm chuyên bán sữa ngoại nhập trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), sữa Bellamys Organic cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi của Úc - một trong các sản phẩm bị “tố” có hàm lượng 3-MCPD cao nhất được bán giá 640.000 đồng/hộp 900 gr.
Người đàn ông tên Tuấn giới thiệu có 20 năm chuyên nhập khẩu và phân phối sữa các loại tại TP.HCM cho rằng, các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em được nhập từ các nước Úc, Nhật đều có các chỉ số 3-MCPD trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Ông Tuấn nói: “Tất cả các loại sữa bột nhập được phân phối ra thị trường, không riêng gì các nhãn hàng bị “gọi tên” đều có giấy phép nhập khẩu đầy đủ và đạt tiêu chuẩn cho phép của VN. Tôi nghĩ chỉ có cơ quan quản lý lên tiếng vụ này thì tâm lý người tiêu dùng mới ổn được. Trong 2 ngày qua, có cả chục người hỏi tôi về vấn đề này vì biết tôi kinh doanh trong lĩnh vực sữa”.
Tránh hoang mang
Tại Hà Nội, khảo sát tại một số siêu thị nhỏ, cửa hàng chuyên bán đồ cho mẹ và bé trên phố Tây Sơn (Q.Đống Đa), đường Trường Chinh (Q.Thanh Xuân), Bạch Mai (Q.Hai Bà Trưng)... các mặt hàng sữa ngoại tên tuổi như: Nan (Nga), Meiji (Nhật Bản), Aptamil (Anh), Similac, Pediasure, Enfa (Mỹ), Genius (New Zealand), S26 (Úc)... được bày bán rất nhiều.
Theo một nhân viên tại siêu thị Nghi Nga, trên phố Tây Sơn (Q.Đống Đa), các loại sữa được báo chí đăng tải có chứa chất gây ung thư tại Hồng Kông không thuộc hàng bán chạy tại cửa hàng nên cũng không ảnh hưởng tới doanh số.
Một bác sĩ là chuyên gia về dinh dưỡng trẻ em tại TP.HCM cho rằng thông tin đưa ra của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông nên được xem xét một cách cẩn trọng, quan trọng là tránh tối đa gây hoang mang lo lắng cho các bà mẹ. Bởi sau khi có công bố trên của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông, trên ChinaNews, Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông đã bác bỏ thông tin trên và cho rằng, tiêu chuẩn EU mà Hội người tiêu dùng đề cập chỉ mang tính chất tham khảo về sức khỏe. Nói cách khác, đây là giới hạn lượng hằng ngày được khuyến nghị sử dụng cho trẻ sơ sinh, nhưng “nó không phải là tiêu chuẩn quy định đối với sữa bột dành cho trẻ sơ sinh”.