Gặp nhau cuối năm 2020 mang đến câu chuyện ở làng Vũ Đại thời hội nhập, trong đó với mong muốn của dân làng là phát triển du lịch để để làm kinh tế, thay đổi diện mạo con người, làng quê. Người làng là những nhân vật quen thuộc bước ra từ các tác phẩm văn học, hay điển tích sân khấu như lão Hạc, Thị Màu, Thị Nở , Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Mõ…
Không chủ ý đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội… trong một năm qua như Táo quân, Gặp nhau cuối năm 2020 mang đến câu chuyện nhẹ nhàng mang nhiều tính giải trí hơn, và chỉ “đá” qua một số vấn đề được quan tâm như: nước sinh hoạt nhiễm bẩn, bụi mịn, chậm tiến độ thi công đường sắt trên cao, chiêu trò truyền thông bẩn, bán hàng lừa đảo…
Chương trình bị nhiều khán giả chê là nhạt nhẽo Ảnh:VFC |
Những gương mặt tham gia chương trình hầu hết đều là những gương mặt quen thuộc của Táo quân: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Chí Trung, NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung, Duy Nam, Hà Trung, Mạnh Dũng…Hai gương mặt mới tinh của chương trình là nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền.
Không thể phủ nhận sức ép “đè lên” ê – kip thực hiện chương trình Gặp nhau cuối năm 2020, bởi xây dựng một chương trình với format mới vượt qua “cái bóng” của Táo quân trong suốt 16 năm qua không phải dễ. Mặc dù ê- kíp đã cố “đổi món” cho khán giả, nhưng Gặp nhau cuối năm 2020 lại không được như chờ đợi của nhiều người.
Khán giả Hải An (quận Hà Đông, Hà Nội) nhận xét: “Mô – típ Gặp nhau cuối năm năm nay cứ na ná với một Vlog rất nổi tiếng bây giờ, trong đó cũng có những nhân vật như lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở…, nhưng câu chuyện lại không sâu sắc, dí dỏm bằng”. “Chương trình nhạt nhẽo, không thể cười nổi!”, khán giả An Huy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bình luận.
Không chỉ nhạt nhẽo, nhiều chi tiết trong chương trình bị cho là có phần tục tĩu, phản cảm Ảnh VFC |
Không chỉ nhạt nhẽo, nhiều khán giả cho rằng, Gặp nhau cuối năm còn có những tiếng cười tục tĩu, phản cảm. Không ít người xem cười nhạt khi nghe chuyện lão Hạc đi rình chuyện vợ chồng mẹ Đốp "tọc tọc tọc" với nhau.
Nhiều khán giả phát hoảng khi thấy nhân vật Nô nói với Chí Phèo (nghệ sĩ Xuân Hinh): “Anh là người có kinh nghiệm cướp, giết, hiếp và đi tù nhất làng. Kinh nghiệm ấy bây giờ đến lúc phải dùng để giúp làng. Em sẽ thưởng cho anh một phóng tiết lợn thật là sắc. Anh chỉ cần ngồi ở đầu làng, thằng nào đi qua giết phát là xong”.
Không chỉ vậy, có khán giả ngã ngửa khi ông hoàng truyền thông bàn kế gây sốc với lão Hạc là làm “bả chó siêu to siêu khổng lồ” để “cộng đồng mạng nó hốc hết ngay”… Hay như chi tiết Thị Mầu được hỏi có khả năng gì, thì Thị hỉ hả khoe khả năng “có con ngoài giá thú” khiến nhiều người phải chép miệng ngán ngẩm vì cách chọc cười kém duyên.
Đoạn kết của chương trình có thể được coi là dấu cộng “kéo lại”. Người dân làng nhận ra rằng không thể phá cổng làng, đó cũng là thông điệp mà ê – kíp muốn chuyển tải: không thể đánh đổi giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa để chạy theo kinh tế.
Khán giả Linh An (quận Đống Đa, Hà Nội) bình luận: “Dù đoạn kết có ý nghĩa, nhưng cũng không nên bắt khán giả “chịu trận” với nhiều chi tiết nhạt nhẽo, kém duyên”.
Được biết, giá quảng cáo của Gặp nhau cuối năm 2020 ở mức kỉ lục trong số các chương trình phát sóng trên VTV vào dịp Tết, cụ thể giá quảng cáo ở mức 400 triệu đồng cho 30 giây, giá quảng cáo cho 10, 15 và 20 giây là 200 triệu đồng, 240 triệu đồng và 300 triệu đồng.