Theo Ifeng, phim ngắn chủ đề Tôn Ngộ Không yêu Lâm Đại Ngọc đang hot trên các nền tảng video. Người trẻ chọn trích đoạn từ hai phim truyền hình kinh điển, lồng ghép để thể hiện các nhân vật có quan hệ tình cảm.
Chẳng hạn, khi Đại Ngọc (Trần Hiểu Húc đóng) chôn cánh hoa, Ngộ Không (Lục Tiểu Linh Đồng) ngồi trên cây nói: "Đủ hoa chưa nàng, để ta rung cho rụng thêm nhé". Khi Đại Ngọc lâm bệnh nặng, Ngộ Không lên trời tìm đào tiên, xuống âm phủ gặp Diêm Vương đòi sự sống cho nàng.

Fan sáng tác truyện Ngộ Không yêu Đại Ngọc, hình ảnh cắt từ phim "Tây du ký" và "Hồng lâu mộng". Video: Bilibili
Nhiều khán giả cho biết thích xem video vì sinh động, hài hước, thể hiện trí tưởng tượng "không giới hạn". Số khác cho rằng khán giả không nên ghép đôi cho những nhân vật kinh điển của hai tiểu thuyết vốn không cùng thể loại, đề tài. Tôn Ngộ Không phò tá Đường Tăng thỉnh kinh, câu chuyện về nhân vật vốn hấp dẫn và không cần thiết dựng nên chuyện tình cho Ngộ Không.
Trên China News, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng nói từng xem qua video, cảm thấy các đoạn cắt ghép tự nhiên và dễ hiểu, không gây lộn xộn. Ông nhận xét phim ngắn "thú vị", chấp nhận sự sáng tạo của người trẻ.
Tuy vậy, nghệ sĩ kêu gọi người làm nội dung chú trọng chất lượng của phim ngắn, cân bằng giữa các yếu tố kế thừa văn hóa và sáng tạo.

Lục Tiểu Linh Đồng trong phim "Tây du ký" của đạo diễn Dương Khiết. Video: YouTube SCTV
Phim thần thoại Tây du ký 1982 chuyển thể tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, do Dương Khiết đạo diễn, xoay quanh hành trình Tôn Ngộ Không trừ yêu diệt quái, phò tá hòa thượng Đường Tăng thỉnh kinh Phật. Phim Hồng lâu mộng do Vương Phù Lâm đạo diễn, ra mắt năm 1987, xoay quanh chuyện tình Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, qua đó miêu tả cuộc sống của một đại gia đình quý tộc từ lúc cực thịnh tới suy vong.

Trần Hiểu Húc đóng Lâm Đại Ngọc trong "Hồng lâu mộng". Video: Bilibili
Theo The Paper, các tác phẩm truyền hình nổi tiếng thường được khán giả cắt ghép để tạo nội dung mới, thu hút chú ý trên các nền tảng video. Năm ngoái, nhiều người kết hợp cảnh phim và AI, tạo những nội dung như Tôn Ngộ Không và Đường Tăng đánh nhau, Đường Tăng hôn quốc vương Nữ nhi quốc, Gia Cát Lượng bắn súng, Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Cơ quan quản lý cho rằng những nội dung trên "thay đổi tác phẩm kinh điển quá giới hạn nhằm thu hút lượt tương tác, đi ngược giá trị văn hóa truyền thống đồng thời có khả năng xâm phạm bản quyền tác giả".
Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc từng ban hành "Chỉ thị quản lý vấn đề AI biến hóa video", yêu cầu kiểm duyệt nghiêm ngặt với sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp phim ảnh. Nền tảng mạng xã hội cần có hiển thị thông báo minh bạch video có phải do AI thực hiện hay không.
Như Anh (theo Ifeng)