Trong công văn gửi đến thủ tướng chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đại diện công ty cổ phần phim Thiên Ngân, BHD, Lotte Cinema, CJ CGV trình bày khó khăn do nhiều lần đóng cửa dài hạn từ năm ngoái đến nay. Các đơn vị nói doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của họ gần như bằng 0 nhưng vẫn phải gồng gánh tiền thuê mặt bằng, lương, phúc lợi nhân viên.
Bốn doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như: Đề xuất hỗ trợ vay vốn, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến hết năm nay, giảm và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng... Ngoài các chính sách hỗ trợ liên quan tài chính, họ mong muốn được hoạt động trở lại, cam kết tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Một rạp phim ở TP HCM tiến hành khử khuẩn trong đợt dịch. Ảnh: Quỳnh Trần.
Hoạt động chiếu phim trong nước bị dừng mỗi lần bùng dịch, khiến doanh thu rạp chiếu bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Lần đầu đóng cửa rạp đợt đầu diễn ra từ tháng 3 năm ngoái, phạm vi cả nước. CGV cho biết doanh thu chiếu phim tháng 3/2020 giảm 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, còn tháng 4 hoàn toàn không có doanh thu. Đầu tháng 5, đơn vị đâm đơn kiện hai đối tác cho thuê mặt bằng lên Tòa án Nhân dân Quận 1 (TP HCM), mong muốn được chấm dứt hợp đồng do không đạt được thỏa thuận hỗ trợ giảm tiền thuê thời dịch.
Hệ thống BHD cho biết phải chi vài chục tỷ đồng để duy trì hoạt động của đơn vị dù không có khách. Sau khi được mở lại sau hai tháng, các rạp áp dụng nhiều biện pháp phòng Covid-19. Đợt dịch thứ hai bùng phát từ Đà Nẵng hồi tháng 8 năm ngoái khiến nhiều cụm rạp ở miền Trung phải đóng cửa hơn một tháng.
Đầu tháng 2, trong bối cảnh TP HCM ghi nhận 31 ca nhiễm ở tám quận, Ủy ban Nhân dân TP HCM quyết định dừng tất cả hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động chiếu phim. Loạt phim Việt như Trạng Tí, Gái già lắm chiêu V, Bố già, Lật mặt V... đều phải hoãn kế hoạch ra mắt đúng mùa phim Tết. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc điều hành Galaxy Cinema cho biết hàng năm tổng doanh thu thị trường phim Tết đạt mức 250-300 tỷ đồng trong hai tuần. Các nhà sản xuất phim cũng lao đao. Lý Hải - đạo diễn Lật mặt - cho biết anh thiệt hại 10 tỷ đồng cho khâu marketing khi phim bị hoãn chiếu.
Khán giả đeo khẩu trang xem phim ở TP HCM hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Trần.
Để lỡ mùa Tết, nhiều phim Việt như Bố già, Gái già lắm chiêu, Lật mặt 5 trở lại vào tháng 3, tháng 4, đạt được doanh thu ấn tượng. Tuy nhiên, sau dịp lễ 30/4, hoạt động chiếu phim lại ngừng trệ, để phòng lây nhiễm trong đợt dịch mới. Nhiều phim có doanh thu tốt như Thiên thần hộ mệnh, Lật mặt không được chiếu ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM, phát hành rải rác ở một số tỉnh, thành. Hiện tại, các dịch vụ không thiết yếu ở các thành phố lớn chưa mở cửa lại.
Bộ Y tế sáng 3/6 ghi nhận 57 ca dương tính, gồm 56 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 4781, ghi nhận ở37 tỉnh thành. 14 tỉnh thành đã hơn 2 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới, là Đồng Nai, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Yên Bái.
Hà Thu