* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
![trailer-phim-den-am-hon-1736328038.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sgv4XvMFd9lR1McxZXU1gg](https://iv1.vnecdn.net/giaitri/images/web/2025/01/08/trailer-phim-den-am-hon-1736328038.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sgv4XvMFd9lR1McxZXU1gg)
Trailer "Đèn âm hồn" (dán nhãn 18+). Video: Đoàn phim cung cấp
Tác phẩm do Hoàng Nam đạo diễn kiêm biên kịch, lấy ý tưởng từ Chuyện người con gái Nam Xương - nằm trong sáchTruyền kỳ mạn lục củaNguyễn Dữ. Anh chọn lọc một số tình tiết trong nguyên tác đưa vào kịch bản, phần lớn câu chuyện được làm mới.
Phim kể bi kịch thân phận phụ nữ làng quê Bắc bộ thời phong kiến. Nhân vật chính là Thương (Diễm Trang đóng) - người vợ có chồng đi tòng quân, một mình ở nhà chăm con nhỏ. Mỗi đêm, nàng thường thắp đèn dầu, chỉ vào chiếc bóng trên tường, nói với cậu bé rằng đó là cha của con. Một lần, khi ra thăm mộ bà, con trai Thương nhặt được chiếc đèn có khả năng triệu hồi cõi âm. Từ đó, mẹ con Thương bị ác linh bủa vây, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Liễu (Hoàng Kim Ngọc), một thầy cúng trong làng.
Đinh (Phú Thịnh) - chồng Thương - từ chiến trận trở về, nghi vợ ngoại tình khi thấy con trai một mực không chịu nhận cha. Cao trào là khi Thương gieo mình xuống sông, được Liễu tìm thấy trong tình trạng hấp hối. Để cứu vợ, Đinh phải bước vào âm giới, đụng độ với thế lực tà ác.
Dù thuộc thể loại tâm linh, phim không mang nhiều chất kinh dị, thiếu các cú "jumpscare" (hù dọa bằng việc thay đổi đột ngột hình ảnh hoặc sự kiện, kèm âm thanh đáng sợ). Đạo diễn đi theo hướng trừ tà - dòng thịnh hành ở Hollywood và châu Á nhiều năm qua.
Nhiều chi tiết trong phim khiến khán giả liên tưởng đến một số tác phẩm cùng phong cách, đề tài. Vai Liễu mang tạo hình nữ cường, tính quyết đoán, gợi nhớ Hwa Rim (Kim Go Eun) - pháp sư trong bom tấn Hàn Exhuma: Quật mộ trùng ma năm 2024. Phân cảnh Liễu xuống cõi âm được nhiều người so sánh với bà đồng Elise (Lin Shaye) trong Insidious - phim kinh dị nổi tiếng của đạo diễn James Wan.
![hau-truong-canh-truc-vong-trong-den-am-hon-1739181872.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MMPwC50GmlNDyEQisHKMQw](https://iv1.vnecdn.net/giaitri/images/web/2025/02/10/hau-truong-canh-truc-vong-trong-den-am-hon-1739181872.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MMPwC50GmlNDyEQisHKMQw)
Cảnh nhân vật Liễu (Hoàng Kim Ngọc) làm lễ trục vong trong "Đèn âm hồn". Video: Đoàn phim cung cấp
Tác phẩm lồng ghép một số chi tiết về nghi lễ thờ cúng của văn hóa bản địa. Một trong những cảnh quay được đầu tưlà khi Liễu làm lễ trục vong cho thanh niên trong làng bị oan hồn nhập. Trên nền trống, bà đồng thực hiện nghi thức trừ tà, dùng cây dâu vụt vào nạn nhân, sử dụng bùa chú trên hình nhân rơm. Đạo diễn cho biết phân đoạn được anh lấy cảm hứng một phần từ đạo Mẫu và lễ nhảy lửa của người Dao.
Nhiều giai thoại về tâm linh dân gian được đưa vào, như ma giấu người trong bụi tre, quỷ nhập tràng. Phim cũng cài cắm thông điệp về tập tục thờ phụng tổ tiên khi xây dựng thế giới cõi âm. Những vong linh không được con cháu tưởng nhớ, cúng kiếng chu đáo sẽ lang thang, vất vưởng, trở thành cô hồn, dạ quỷ.
Dù có ý tưởng, Đèn âm hồn thất bại trong khâu kịch bản. Sau phần đầu, câu chuyện đuối dần từ hồi hai, lúc Đinh trở về. Những tình tiết trừ tà - vốn là yếu tố tạo kịch tính cho phim - bị bỏ lửng, do đó không duy trì được nỗi sợ. Thay vào đó, tác phẩm chuyển sang màu tâm lý, bi lụy, xoay quanh thông điệp cảm thương số phận phụ nữ thời phong kiến.
Bên cạnh câu chuyện rời rạc, tâm lý nhân vật trong phim thiếu rõ ràng, nhất quán, dẫn đến nhiều hành động phi logic. Khi bị chồng nghi ngờ có người khác, Thương không phản kháng hay phân trần nhằm minh oan, chỉ lẳng lặng tìm đến cái chết. Ở đoạn kết, đạo diễn xử lý kém kịch tính khi để cho hai chiếc bóng - vốn là hai linh hồn - đánh nhau trên vách tường. Xem suất chiều 9/2, khán giả Đình Ngọc cho biết cảnh này khiến người xem khó nắm bắt. "Tôi nghĩ phân đoạn sẽ hấp dẫn nếu đạo diễn cho vong hồn nhập vào xác thầy cúng, quyết chiến với phản diện", khán giả này nói.
Diễn xuất là một trong những lỗ hổng lớn của phim. Ở cảnh Đinh hội ngộ vợ con khi về từ chiến trường, biểu cảm nhân vật gây khó hiểu vì không thể hiện được sự da diết sau thời gian dài xa cách. Nhiều đoạn đòi hỏi chuyển biến tâm lý song lối diễn của Phú Thịnh (từng đóng phim Khi ta hai lăm) còn đơn điệu, một màu. Ở buổi công chiếu hôm 4/2 tại TP HCM, nhiều người xem bật cười trước cảnh Đinh ôm con nhảy xuống sông tìm vợ vì không đạt hiệu quả cảm xúc, chủ yếu để khoe hình thể.
Tương tự, nét diễn của Diễm Trang thiếu chiều sâu, chưa làm bật lên oan khuất trái ngang của Thương. Ở một số đoạn, lối thoại nhiều nhân vật còn đậm tính hiện đại, không hợp bối cảnh. Phim còn gặp nhiều "sạn" về kỹ xảo hình ảnh, như cảnh con bướm bay lên mộ, hay căn nhà bốc cháy.
![den-am-hon-1-1739266732-2050-1739268310.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C75mzlb7yz0CJgnydYnsVA](https://i1-giaitri.vnecdn.net/2025/02/11/den-am-hon-1-1739266732-2050-1739268310.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C75mzlb7yz0CJgnydYnsVA)
Diễm Trang (phải) đóng vai chính trong phim "Đèn âm hồn". Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phần bối cảnh, thiết kế mỹ thuật là điểm cộng cho phim. Tác phẩm có những cú fly-cam giới thiệu đại cảnh nơi núi rừng Cao Bằng như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần. Êkíp dựng phim trường tái hiện ngôi làng nơi Thương, Liễu sinh sống, với cảnh mái tranh vách đất, chợ phiên. Qua đó, phim gợi cảm giác chân thật về hình tượng, trang phục nhân vật, dù không đi sâu vào các tình tiết về đời sống thôn quê xưa.
Phim thu hơn 60 tỷ đồng trong năm ngày phát hành, gây bất ngờ trên phòng vé sau mùa Tết Ất Tỵ. Cuối tuần qua, dự án đứng thứ hai trong bảng xếp hạng doanh thu, xếp trên Bộ tứ báo thủ (Trấn Thành). Tuy nhiên, phim nhận nhiều nhận xét tiêu cực.
Hoàng Nam cho biết với tác phẩm đầu tay, anh ghi nhận những lời góp ý về nội dung để phát triển tiếp phần hai. Theo đạo diễn, đa số diễn viên là người mới, không tránh khỏi thiếu sót về diễn xuất. Hoàng Nam nói mất 10 năm nghiên cứu về nội dung, ba năm hoàn thiện kịch bản trước khi khởi quay. Êkíp còn có phó đạo diễn Dương Bảo Anh - người tham gia phim Lật mặt, Hai Muối. Nhà sản xuất là Nguyễn Cao Tùng - đứng sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Thất Sơn tâm linh.
Hoàng Nam, 41 tuổi, được biết đến với vai trò là vlogger, chủ kênh Challenge me - Hãy thách thức tôi, đạt hơn bốn triệu người đăng ký. Anh thực hiện nhiều series video khám phá các nơi bí ẩn, ít người lui tới hoặc bỏ hoang, như khu rừng tự sát (Nhật Bản), Thuận Kiều Plaza (TP HCM), hang Cá Chúa (Thanh Hóa), cây ổi biết cười (Thanh Hóa).
Mai Nhật