Phóng viên: Chị có thể chia sẻ một chút về lý lựa chọn con đường nghệ thuật không? Nếu được chọn lại, chị có nghĩ mình sẽ làm khác đi, chẳng hạn chọn một lĩnh vực nghệ thuật khác hoặc không theo nghệ thuật nữa?
Mỹ Duyên: Tôi không lựa chọn nghệ thuật, mà nghệ thuật đến với tôi như một cơ duyên lớn trong cuộc đời này. Mẹ tôi cũng là người làm nghệ thuật và bà chính là hướng tôi đi theo nghề múa giống mình. Tôi cảm thấy mình thật may mắn, vì tôi là người thích nghệ thuật, thích múa, thích xem phim. Những kỹ năng về múa giúp tôi rất nhiều trên bước đường hoạt động nghệ thuật, dù là kịch nói hay phim ảnh.
Thế nên có quay ngược thời gian để có thể có những lựa chọn khác, thì chắc tôi vẫn giữ con đường này, vì với tôi, tới giờ nó đã trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo.
NSƯT Mỹ Duyên trang điểm cho vai diễn Đạm Tiên.
Phóng viên: Cuộc sống của chị trong những năm gần đây có ảnh hưởng như thế nào đến cách chị chọn vai diễn hoặc cách diễn xuất của mình?
Mỹ Duyên: Với tôi thì bằng cách này hay cách khác, cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn mỗi ngày. Là một diễn viên, tôi sẽ tìm cách quan sát từ những con người thật ngoài đời, để xem và học hỏi kỹ thuật diễn xuất từ họ. Tôi thấy mình học hỏi được nhiều thứ lắm, ngay từ trong cuộc sống cũng như từ tác phẩm của người ta.
Bản thân tôi không phải là người kén chọn vai diễn, mà vai diễn thường đến với tôi đều là may mắn, tình cờ. Kể cả khi nhân vật mà tôi nhận không có nhiều đất diễn, thì tôi cũng vẫn luôn cố gắng tìm tòi nhiều hơn, để cho vai diễn của mình hoàn hảo và đa dạng hơn.
Phóng viên: Trong vở “Dưới bóng giai nhân”, chị vào vai Đạm Tiên – một nhân vật có ý nghĩa đặc biệt với số phận của Thúy Kiều. Vai diễn này có mang đến những cảm xúc nào đáng nhớ cho chị không?
Mỹ Duyên: Trong tác phẩm “Dưới bóng giai nhân”, một cảm tác từ “Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi được đạo diễn Quang Thảo chọn vào vai Đạm Tiên. Đây không phải là vai diễn quá nặng ký so với những vai diễn mà tôi từng có, nhưng lại có có chiều sâu nội tâm khá phức tạp.
Khi nhận và đọc kịch bản “Dưới bóng giai nhân”, thực sự tôi đã sốc. Tôi sốc vì lâu lắm rồi mới có một kịch bản có thể khiến mình có nhiều hưng phấn nghề nghiệp đến thế. Khi đứng trước một tác phẩm, mỗi người có thể đọc, có thể có cách nhìn khác nhau hoặc có sự sáng tạo, tưởng tượng cho riêng mình. Với tôi, khi được cầm trong tay một tác phẩm hay đến vậy, và sau đó biết mình được nhận vai Đạm Tiên, trí tưởng tượng về nhân vật trong tôi được khơi lên rất nhiều. Dĩ nhiên, đạo diễn Quang Thảo là người quyết định cho tôi được bay bổng đến đâu với nhân vật của mình, cũng như biết hạn chế, níu giữ tôi ở những điểm nào. Để từ đó Đạm Tiên của tôi phù hợp nhất với tổng hòa của những vai diễn khác.
Nhận vai diễn này, ban đầu tôi cũng nghĩa rằng mình sẽ cần múa rất nhiều. Xuyên suốt vở diễn, “vùng sáng múa” của tôi được bừng lên trong phân cảnh Kiều băng qua bóng tối đến với cửa chùa. Còn những phần, những cảnh khác, tôi diễn với tư cách là nội tâm của Kiều nhiều hơn. Tôi phải làm mọi cách để chớp lấy những khoảnh khắc nội tâm sâu lắng nhất, đau khổ nhất của Kiều.
Một điều tối quan trọng, đó là tôi không được phép lẫn lộn giữa Kiều và Đạm Tiên, cho dù đó là ẩn ý của tác giả, của đạo diễn khi đưa Đạm Tiên vào tác phẩm cũng như tạo thêm nhiều đất diễn cho nhân vật này. Cho dù Đạm Tiên chính là Kiều, hay Kiều cũng chính là những suy nghĩ của Đạm Tiên.
Mỹ Duyên và Hồng Ánh trong “Dưới bóng giai nhân”.
Cảm nhận của tôi khi hóa thân thành Đạm Tiên, đó là nhân vật này chính là hiện thân cho những sai lầm trong tiền kiếp của Kiều. Thế nên, suy nghĩ của Kiều - Đạm Tiên cũng sẽ phải khác những lối mòn xưa, phải được phổ vào những trăn trở rất mới, rất đời. Từ đó, tôi thấy được bức tranh tổng của “Dưới bóng giai nhân” thông qua cách nhìn hiện đại, mới mẻ và đầy tính nhân văn này.
Tôi cũng đặt mình vào góc độ của những phụ nữ thời xưa, để rồi soi chiếu, đối chiếu cách nhìn hiện đại của mình sẽ khác họ thế nào. Có thể là họ đúng, nhưng cũng có thể đó là sai lầm của họ khi nhìn nhận về những người phụ nữ khác, hoặc về chính bản thân họ.
Trong “Dưới bóng giai nhân”, mỗi nhân vật nữ muốn nói lên tiếng lòng của chính mình. Không chỉ riêng Kiều, từ vai diễn Hoạn Thư của chị Thanh Thủy, hay Tú bà Lã Thu của chị Hoàng Trinh, cho đến Đạm Tiên của tôi, tất cả đều phải gánh những thăng trầm, bị dòng đời đưa đẩy, bị xã hội thời ấy vùi dập. Thế nhưng tất cả những điều đó, có khiến người ta không thể thoát ra khỏi những lề thói, định kiến mà người xưa áp đặt cho “phận đàn bà” hay không?
“Dưới bóng giai nhân”, cùng cách nhìn rất mới của đạo diễn Quang Thảo, đã đưa tới một đáp án đầy bất ngờ mà bản thân tôi rất thích.
Phóng viên: Riêng với vở “Dưới bóng giai nhân” – một tác phẩm đậm chất văn học, được cảm tác “Truyện Kiều”, chị có dành sự đầu tư nào khác biệt cho vai diễn này không?
Mỹ Duyên: Năm lên 10 tuổi, tôi rời Việt Nam để theo học nghệ thuật múa tại Viện Hàn lâm Vaganova, một trong những cái nôi đào tạo nghệ thuật múa danh tiếng nhất trên thế giới của thời bấy giờ. Việc học tại nước ngoài kéo dài tới hơn 8 năm, chưa kể khoảng thời gian hoạt động biểu diễn sau đó, nên thú thật là tôi đã không được học và cũng không rành rẽ về Văn học Việt Nam như các bạn ở trong nước.
Buổi đầu đọc kịch bản, Quang Thảo cũng hỏi tôi có thấy khó hay không, và tôi cảm nhận kịch bản như thế nào? Khi đó, tôi cũng nói thẳng với thảo là kịch bản không hề khó với tôi. Thảo đã viết “Dưới bóng giai nhân” một cách rõ ràng, trên nền nội dung thật sâu sắc, khai thác một đề tài mới lạ hơn rất nhiều so với cách nghĩ của tôi lúc trước. Với tôi, đó là câu chuyện về cách nhìn cũ, cùng lề lối xã hội xưa đã ảnh hưởng đến những thân phận đàn bà nhiều đến thế nào, để rồi bức bách con người ta đến mức muốn từ bỏ cả khao khát sinh tồn. Quả thực, thông qua cách nhìn mới của Quang Thảo, mọi thứ đã khiến tôi cảm tôi cảm động, bằng những câu chuyện phụ nữ thật hay và sâu sắc.
Mỹ Duyên trong một phân cảnh múa ấn tượng của “Dưới bóng giai nhân”.
Với tôi, kịch bản “Dưới bóng giai nhân” rất dễ hiểu, dù phần lời thoại không hề dễ, phần nhiều là văn xưa, chứ không phải văn xuôi. Cảm xúc nhân vật đã được Quang Thảo đặt để trong từng câu văn, giúp diễn viên có thể cảm nhận được ý nghĩa của từng lời thoại, từng hành động của nhân vật. Để từ đó chúng tôi có thể thỏa sức sáng tạo trong từng vai diễn. Như đã chia sẻ ở trên, vai diễn của tôi khó ở chỗ tôi phải nắm bắt thật rõ, khi nào tôi là Đạm Tiên, khi nào tôi là một Kiều khác ở thẳm sâu bên trong Kiều.
Rồi nương theo kịch bản, tôi cần phải bắt chụp từng cao trào cảm xúc của nhân vật. Đạm Tiên của tôi như một sợi dây liên kết tinh thần, xuất hiện mỗi khi trạng thái cảm xúc của Kiều được đẩy lên đỉnh điểm. Từ đó, tôi cần phải làm mọi cách để đẩy mạch cảm xúc ấy lên cao thêm nữa, bằng không, sẽ làm trì néo, đứt đoạn tiết tấu của cả phân cảnh.
Có một điều mà tôi luôn tâm niệm, dù là Đạm Tiên trong “Dưới bóng giai nhân” hay ở bất kỳ vai diễn nào đó trong một vở diễn nào khác: Sự xuất hiện của tôi là phải có giá trị và mang góp phần mang lại ý nghĩa sâu sắc cho tổng hòa tác phẩm.
Thanh Thủy - Hoạn Thư, Đạm Tiên - Mỹ Duyên và Thúy Kiều - Hồng Ánh
Phóng viên: Chị đã từng đóng kịch, phim điện ảnh và truyền hình. Theo chị, cách biểu đạt cảm xúc ở những loại hình này khác nhau như thế nào? Mỹ Duyên: Dù là điện ảnh, truyền hình hay sân khấu, bất cứ diễn viên nào, khi đã qua một khoảng thời gian hoạt động diễn xuất nhất định, cũng sẽ biết cách tiết chế cách diễn của mình cho phù hợp với từng thể loại.
Bản thân tôi cũng không phải là người thật sự giỏi trong điều tiết diễn xuất, đôi khi cũng bị “hơi quá”. Tuy nhiên, mỗi vai diễn mà tôi thể hiện đều là sử dụng cảm xúc thật. Tôi rất ít khi sử dụng kỹ thuật, vì nếu sử dụng không khéo, lối diễn của mình sẽ không được chân thật.
Nói như vậy không có nghĩa là trong diễn xuất, kỹ thuật không giữ vai trò quan trọng. Mà ngược lại, với một người diễn viên, kỹ thuật rất cần thiết. Đặc biệt là ở sân khấu kịch, vai diễn và phần diễn xuất của tôi sẽ phải lặp đi lặp lại nhiều lần, qua nhiều suất diễn khác nhau. Tôi có thể học được cách duy trì cảm xúc qua từng đêm diễn. Thế nhưng, khi sức khỏe không tốt, hay có cảm giác mệt mỏi, tôi bắt buộc phải sử dụng kỹ thuật để bù đắp cho cảm xúc, để vượt qua những thời điểm không được suôn sẻ đó.
Khi tham gia vào các dự án phim điện ảnh hay sitcom, phim truyền hình dài tập, tôi vẫn luôn cố gắng sử dụng cảm xúc thật, để vai diễn của mình không bị “quá”, và biết cách tiết chế sao cho diễn xuất của mình được chân thật nhất. Vì hiện giờ hầu hết các phim sẽ được quay thực cảnh, thu tiếng trực tiếp, điều này đòi hỏi nhiều hơn ở một diễn viên.
Còn với sân khấu, tôi hầu như không sử dụng kỹ thuật, mà chỉ có diễn bằng cảm xúc thật của mình mà thôi.
Phóng viên: Chị từng thể hiện nhiều vai diễn về những nhân vật nữ mạnh mẽ và cả yếu mềm. Theo chị, hình ảnh phụ nữ trong điện ảnh và sân khấu Việt Nam hiện nay đang thay đổi ra sao? Điều này có ý nghĩa gì với chị không?
Mỹ Duyên: Phụ nữ luôn là một đề tài khá là nhạy cảm và dai dẳng từ xưa đến nay. Cho dù trong cuộc sống hiện đại, cách nhìn của xã hội và công chúng về phụ nữ đã được cải thiện nhiều hơn, thế nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn một câu trả lời thỏa đáng cho các vấn đề của phụ nữ.
Đạo diễn Quang Thảo cùng Mỹ Duyên và tập thể diễn viên “Dưới bóng giai nhân” trong màn chào kết vở.
Lâu lâu cũng sẽ có những cách nhìn mới, nhân văn hơn, mạnh mẽ hơn như của “Dưới bóng giai nhân”. Thế nhưng, nhìn chung, phụ nữ chúng tôi sẽ luôn ở trong tâm thế thiệt thòi hơn. Phụ nữ mà! Khó mà cân đối được giữa công việc và gia đình, trong khi phải quán xuyến tất cả mọi thứ.
Đôi khi tôi cũng phải đặt mình đứng trước sự lựa chọn khó khăn ấy. Gia đình hay công việc? Vì người hay vì bản thân? Đây cũng là điều mà mọi phụ nữ cần đối diện, và cũng là những đề tài khá nhạy cảm để khai thác trong điện ảnh hay sân khấu, nếu không muốn nói là một đề tài muôn thuở chưa có đáp án nào làm thỏa lòng tất các những phụ nữ thời nay.
Quang Thảo - Đình Toàn - Mỹ Duyên trong vở “Hé lô ông thần” của Idecaf.
Thế nhưng với tôi, chính sự băn khoăn, trăn trở đó lại làm nên nét đẹp của người phụ nữ. Phụ nữ chúng tôi luôn sẵn sàng chịu đựng, nhường nhịn và đôi khi lùi bước. Cái lùi bước đó không phải vì chúng tôi không thể hoặc không dám làm, mà lùi bước là để thể hiện trách nhiệm, lòng can đảm và là sự cho đi vô điều kiện, để có thêm những điều tốt đẹp trong tương lai.
Phóng viên: Cảm ơn NSƯT Mỹ Duyên về cuộc trò chuyện nhiều cảm xúc này. Kính chúc chị nhiều sức khỏe và có thêm nhiều vai diễn hay dành tặng công chúng yêu nghệ thuật!
Mỹ Duyên là diễn viên nổi tiếng của Việt Nam. Được đào tạo trở thành diễn viên múa từ nhỏ ở nước ngoài, tại một trong những học viên danh tiếng nhất thế giới, khi về nước, chị chuyển hướng qua hoạt động diễn xuất trong nhiều lĩnh vực: Điện ảnh, sân khấu và truyền hình.
Mỹ Duyên đã gặt hái nhiều giải thưởng cho sự nghiệp diễn xuất của mình, bao gồm: LHP Việt Nam 1993, Mai Vàng 1995-1996, Cánh Diều Vàng 2004… Năm 2007, chị được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, ghi nhận những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam.