Trong cuộc sống, bạn đã bao giờ bắt đầu một hành trình mới mà không cần quá nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng? Và nó đã dẫn dắt ta đến những kết quả bất ngờ trên cả mong đợi và cứ thế bạn bền bì trên hành trình đó? Giống như học giả người Đức Meister Eckhart đã từng viết "Và đột nhiên bạn chỉ cần biết rằng đã đến lúc để bắt đầu một cái gì đó mới và tin tưởng vào điều kỳ diệu của sự khởi đầu". Cất cánh tháng 7 với chủ đề Hành trình diệu kỳ là những câu chuyện của những người như thế họ đã bắt đầu và có được sự "kỳ diệu" trên hành trình của mình.

vtv1761-16894928996031927941752.jpg

 Lê Quyết Thắng (sinh năm 1991, quê Nghệ An), hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội chính là người khởi xướng ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Công việc chính của Thắng là thiết kế nội thất. Tranh thủ thời gian rảnh, anh chỉnh sửa ảnh miễn phí cho mọi người qua mạng xã hội, thường ghép ảnh cho thân nhân người đã khuất qua các bức ảnh đoàn viên và phục dựng những tấm ảnh cũ kỹ.

Chàng trai xứ Nghệ tâm sự nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân liệt sĩ khi cầm bức ảnh, anh chỉ mong sao giúp đỡ được nhiều hơn các gia đình liệt sĩ, giúp họ được ngắm nhìn, lưu giữ được hình ảnh người thân, để luôn cảm thấy người thân của mình vẫn kề bên.

vtv1485-16894929004791318702910.jpg

Lê Quyết Thắng trên đường băng Cất cánh

Hầu hết bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu. Có nhiều bức ảnh được vẽ lại theo trí nhớ người thân nên để phục chế lại phải mất nhiều thời gian, phải cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết. Trung bình việc phục dựng mỗi bức ảnh mất khoảng 6 tiếng để hoàn thành, nhưng có những bức ảnh khó, mất 3 ngày mới xong, chưa kể việc đi đến từng gia đình để hỏi han về đặc điểm của liệt sĩ…

"Sau một tháng chạy chiến dịch, chúng tôi đã làm được 200 tấm ảnh. Một con số không tưởng. Niềm vui và sự tự hào đến chốc lát, đằng sau đó chúng tôi vẫn cảm thấy thẹn, trăn trở vì còn một điều gì đó chưa thể làm trọn vẹn, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ không có một tấm ảnh nào", anh Thắng tâm sự.

vtv1514-16894929001471844961926.jpg
vtv1568-16894929000671255621763.jpg

Hiện nay, số lượng tin nhắn nhờ phục chế ảnh liệt sĩ mà nhóm nhận được mỗi ngày rất nhiều, do nhân lực có hạn nên vẫn chưa thể đáp ứng được hết. Vì thế, anh hi vọng những người làm nghề ảnh trên cả nước cùng bắt tay vào tham gia, chia sẻ với nhóm, một công việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa.

Từ những năm 1990, TS Ngô Thị Thuý Hường đã nghiên cứu về chuyên ngành thủy sản. Trong quá trình nghiên cứu chị đã phát hiện ra một vấn đề cá ăn những thức ăn bẩn vậy có ảnh hưởng đển sức khỏe của con người không? Vì thế, từ năm 1999 - 2001, ngoài học thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản tại Trường ĐH Tổng hợp Ghent (Bỉ), chị Thúy Hường còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực độc học sinh thái. Trong đó, tập trung vào việc đánh giá những ảnh hưởng của kim loại nặng của các loài thủy hải sản và nguy cơ của nó đối với con người.

Năm 2002, Ngô Thị Thúy Hường sang Đức làm nghiên cứu sinh về Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại trường Đại học Tổng hợp Bayreuth. Đầu năm 2014, chị là chủ nhiệm đề tài về xử lý ô nhiễm diõin bằng công nghệ sử dụng thực vật , một dự án  do Bộ tài nguyên và Môi trường tài trợ. Chị cùng các cộng sự đã đi tới sân bay Biên Hòa – một trong những " điểm nóng" dioxin tại Việt Nam bởi chị đã ám ảnh bởi những hình ảnh những em bé bị ảnh hưởng với chất độc màu da cam nên chị đã muốn làm một điều gì đó xoa dịu nỗi đau.

Nhiều năm học tập bên Đức, chị đã biết đến cây cỏ Vetiver " cây cỏ thần kỳ" được sử dụng nhiều ở Ấn Độ, Thái Lan, Úc.. trong chống xói mòn, xử lý ô nhiễm môi trường nước và đất. Vì thế, chị Hường đã cùng với các cộng sự đã tập trung nghiên cứu ứng dụng cỏ Vetiver trong phục hồi đất ô nhiễm dioxin, hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Tháng 6/2023, chị và các cộng sự đã nhận được giải thưởng King of Thailad Awards cho công trình công nghệ xử lý đất ô nhiễm dioxin.

vtv1631-1689492899817708469876.jpg
vtv1660-1689492899811357766434.jpg

"Khi làm việc với những chất độc như dioxin, chúng ta luôn phải bảo hộ an toàn, với trang phục chống hóa chất. Tôi từng tự hỏi liệu mình làm điều này có đáng không khi phải hy sinh sức khỏe của mình? Liệu mình có đi hết được con đường này? Cuối cùng tôi vẫn quyết định đi tiếp và tôi nghĩ đó là quyết định đúng" – TS Thúy Hường xúc động nói – "Năm 2022, tôi đã kết thúc dự án của mình, trả lời hết những câu hỏi cần được trả lời… Trải qua 20 năm nghề, tôi thấy rằng làm khoa học không dễ, con đường tôi đi có thể gai góc khó khăn hơn. Nhưng nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn con đường ấy. Hành trình ấy thật dài khó khăn nhưng cũng là hành trình diệu kỳ với riêng tôi. Tôi vẫn sẽ tiếp tục lên đường đến với những vùng đất bẩn để tiếp tục những nghiên cứu của mình…".

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sinh năm 1968, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và quốc tế. Ông đã có 35 năm gắn bó với nhiếp ảnh từ một cơ duyên rất tình cờ.

Chơi đá bóng từ thuở nhỏ nhưng cậu bé Nguyễn Văn Á - tên thật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, lại thường trực có tên trong đội tuyển… bóng ném thành phố Hồ Chí Minh. Sau quá trình tập luyện và thi đấu, đời cầu thủ làm anh gãy chân, rồi bóng ném lại làm anh gãy tay. Ở tuổi 27, Nguyễn Á phải "dừng cuộc chơi", về nhà mở tiệm chụp ảnh. Vì gia cảnh nghèo khó nên từ nhỏ đến lớn, anh đã phải trải qua tới 6 nghề để mưu sinh: bán báo, bán khí đá, bán cháo vịt, bán cơm, bán kem và cuối cùng là nhiếp ảnh.

vtv1705-16894928997981446635005.jpg

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết cha mẹ anh cả một đời tần tảo lo cho hơn chục miệng ăn, vậy mà không biết chắt bóp, dành dụm từ bao giờ để sắm cho anh chiếc máy ảnh, tặng anh làm "cần câu cơm".

20 tuổi tập tành cầm máy ảnh và lúc đã ngoài 30 tuổi, khi cảm thấy chín muồi với nghề thì anh mới dự thi và đoạt nhiều giải thưởng. Vừa chơi thể thao vừa cầm máy từ những ngày tháng đầu tiên và đến giờ, anh đã có hàng chục năm trong nghề và chơi ảnh chuyên nghiệp được 15 năm, mà vẫn chưa bao giờ có ý định từ giã, thậm chí nếu phải chọn lại từ đầu anh vẫn chọn nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa có một cuộc triển lãm "Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan". Sắp tới, nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, anh sẽ ra mắt một cuốn sách mới nói về những người tù Côn Đảo ngày trở lại. Ngoài ra, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á còn ra mắt một cuốn sách về dự án tác nghiệp tại dự án dò mìn ở dải đất miền Trung.

"Tôi nghĩ mỗi người đều có hành trình riêng. Với Nguyễn Á, điều kỳ diệu trên hành trình của tôi là làm được những điều không tưởng đối với bản thân mình. Tôi luôn làm mới những điều mình đang làm và quan trọng nhất, điều mình làm có ý nghĩa cho xã hội. Tôi làm được điều tôi thích, tôi rất thích điều tôi làm. Hành trình tôi đang đi đã và sẽ còn tiếp diễn", nhiếp ảnh gia Nguyễn Á kết lại.

Ba nhân vật với ba hành trình khác nhau nhưng điểm chung lại là họ đều tìm được hạnh phúc trên con đường của mình. Có một câu nói mà nhiều người từng được nghe, đó là "Hạnh phúc nằm trên mỗi hành trình chứ không chỉ đích đến" và những diễn giả của Cất cánh tháng 7 đã một lần nữa minh chứng cho điều đó.

Cùng theo dõi chi tiết câu chuyện của ba diễn giả trong Cất cánh tháng 7 qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022