Không hải đồ, không có thiết bị định vị hiện đại, thế nhưng, những con tàu không số đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, trở thành huyền thoại của Hải quân Việt Nam.

tau-671-16615909801811241210210-crop-1661591252235148936883-crop-1661591392033767695203.jpg

Những chiến sĩ lái tàu không số gây xúc động lòng người về tinh thần quả cảm, khả năng chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và trong chuỗi phóng sự Những anh hùng thế kỷ XX của ngày hôm nay (27/8), chúng ta sẽ được hặp một trong những con người quả cảm của những con tàu không số ấy - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên Thuyền trưởng tàu 674, trực tiếp tham gia giải phóng Trường Sa tháng 4-1975. Ông đồng thời cũng là một trong những thủy thủ đầu tiên tham gia vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, góp phần tạo nên huyền thoại về những tàu không số bí ẩn giữa đại dương bao la.

img0533-1661573640300995005364.jpg

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức trong một bức ảnh lúc còn trẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

TỪ NGƯ DÂN TRỞ THÀNH THUYỀN TRƯỞNG...

Anh hùng Nguyễn Văn Đức lúc này đã ở tuổi 82, tuy nhiên, những năm tháng lênh đênh trên biển thực hiện trên Tàu không số vẫn còn in đậm trong ký ức của ông.

Ông nói lúc 20 tuổi ông là ngư dân đánh cá ở địa phương và khi ấy, ông được tổ chức thuyền trinh sát ra miền Bắc bằng đường biển. Sau này gọi đó là đường Hồ Chí Minh trên biển, của Tàu không số. Lý do gọi Tàu không số là vì ở hậu cứ thì không mang số, nhưng trên tàu có rất nhiều biển số, đi từng đoạn sẽ có biển số riêng để ngụy trang.

3052020huyen8670-16615802381941359936312.jpg

Ngày 01/6/1961, Nguyễn Văn Đức là một trong 6 người tham gia chuyến vượt biển đầu tiên trên con thuyền gỗ từ miền Nam ra Bắc, mở "đường Hồ Chí Minh trên biển". Qua bao vòng vây bom đạn của địch, không hải đồ, không có thiết bị định vị hiện đại, thế nhưng ông và đồng đội cũng ra được miền Bắc, được gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng để báo cáo tình hình miền Nam và xin chi viện vũ khí.

Tháng 10/1961, Ðoàn 759 chính thức được thành lập, vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu "Đoàn tàu không số".

"Sóng 4 – 5 mét, nó dằn 1 cái là coi như trên giường cũng rơi xuống đất, rơi xuống sàn tàu" - Anh hùng Nguyễn Văn Đức nhớ lại những ngày trên biển - "Nhưng mà anh em chịu được". 

"Mở được đường biển thì có 16 – 17 người thôi nhưng nó vận chuyển được 100 tấn hàng, mà 100 tấn súng đạn thì nó hiệu quả đến mức nào" - ông nói tiếp - "Cho nên bằng mọi cách, dù có hy sinh đến mức nào cũng phải giữ được con đường huyết mạch trên biển Đông của Đoàn tàu không số".

img0529-1661580355468821549575.jpgimg0524-16615803554651669648018.jpg

Nếu như đường Hồ Chí Minh trên bộ được ví như "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm", thì đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với tàu không số bí ẩn giữa đại dương bao la. Hải trình của Đoàn tàu không số gắn liền với điều kiện thời tiết xấu nhất. Càng giông tố bão bùng, càng thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật.

Tuy nhiên, những ngày đi biển ấy cũng gắn với ký ức đau buồn của cuộc đời anh hùng Nguyễn Văn Đức. Hay tin cả gia đình hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào miền Nam.

Lúc tôi đang đi trên biển, chở đầy vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam thì địch thả bom, gia đình tôi phải hy sinh 7 người, trong đó có 1 bào thai...

"Mình không mất mát thì người khác mất mát, nên ráng chịu đựng, lấy căm thù ra làm nhiệm vụ. Phải tập trung giải phóng miền Nam thì dân mình mới tự do, hạnh phúc" - anh hùng Nguyễn Văn Đức nói -

KHI NỖI ĐAU GIA ĐÌNH HOÀ CÙNG MỐI THÙ DÂN TỘC TẠO NÊN SỨC MẠNH...

photo-0-1534382659076229367310-1661580775844951481684.gif

Sau sự kiện Vũng Rô năm 1967, đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ. Địch lập tức siết chặt khu vực biển Đông, tăng cường tàu tuần tiễu, máy bay trinh sát ngày đêm, cắt đứt hoàn toàn đường biển nối liền tiền tuyến với hậu phương. Quân ta trên chiến trường miền Nam lâm vào cảnh khó khăn, thiếu vũ khí, nhiều chiến sĩ hy sinh.

Tháng 10/1969, Ông nhận nhiệm vụ mới là đi khắp vùng biển các nước Đông Nam Á, tìm đường vào Nam. Đó là chuyến đi dài nhất của ông trên biển, tàu chở được 60 tấn vũ khí cập bến Cà Mau an toàn.

"Đi hàng chục ngày trên biển, không có mục tiêu, chỉ bắt được Hòn Khoai và Côn Đảo thôi, nhưng mà chính xác, vô phát tín hiệu gặp được" - anh hùng Nguyễn Văn Đức nói - "Từ chiếc tàu ấy, cấp được cho hơn 60 tấn vũ khí trong lúc không còn viên đạn nào để chiến đấu thì nó quý giá vô cùng. Nó đã tiếp sức cho quân dân miền Nam diệt ác phá kìm, mở rộng vùng giải phóng".

Ngày 11/04/1975, ông cùng đồng đội xuất phát từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau 16 ngày chiến đấu, đến 9 giờ ngày 29/04/1975, lực lượng đổ bộ lên Trường Sa Lớn và giải phóng hoàn toàn Quần đảo Trường Sa, vào đúng thời điểm chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.

Anh hùng Nguyễn Văn Đức nhớ lại ngày chiến tắng ấy: "Khi giải phóng Trường Sa xong, về đảo chỉ huy thì nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trời ơi anh em nhảy tưng tưng mừng reo lên, mừng lắm. Rồi bắt đầu dao thớt, bắt chim, nhặt trứng rồi liên hoan, coi như mừng Sài Gòn giải phóng, chuẩn bị thống nhất đất nước".

img0543-16615807513811010185476.jpg

(Ảnh tư liệu. Nhân vâtj cung cấp)

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA CON TÀU KHÔNG SỐ HUYỀN THOẠI, HƠN 60 NĂM SAU VÀ NHỮNG ÁM ẢNH...

img0542-16615915276881000609748.jpg

Giờ đây, đã hơn 60 trôi qua, nhưng có những nỗi đau như một vết sẹo khó lành mãi ám ảnh người thuyền trưởng. Đó là ký ức về những đồng đội đã bỏ lại thân mình nơi biển cả. Tuổi xuân của họ lênh đênh trên biển cả, sẵn sàng hy sinh thân mình cho tổ quốc thân yêu.

"Đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh, đồng chí ấy đã chết trên tay mình" - Anh hùng Nguyễn Văn Đức nói - "Trước khi hy sinh, đồng chí nói em trúng đạn rồi chắc sẽ hy sinh, các anh ở lại chiến đấu thắng lợi". 

"Đến bây giờ những lời ấy còn theo tôi mãi mãi và có lẽ sẽ theo đến tận cuối đời. Đồng chí ấy mới cưới vợ ba ngày".

sequence-0101253607still004-16615812859351253415028.jpgimg0539-16615812767521170027630.jpg

Anh hùng Nguyễn Văn Đức nói những ký ức của những ngày tháng trên biển luôn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông.

Những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược trên biển mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức cùng những cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu "không số", đã trở thành bất tử. Những sự xả thân của họ, những cống hiến và hy sinh của họ, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

sequence-0700004205still001-16615913127861274580781.jpg

Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" đã được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022