* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Trailer phim tài liệu có phụ đề tiếng Việt. Video: Fanpage A Crack in the Mountain
Tác phẩm do nhà làm phim độc lập người Anh Alastair Evans đạo diễn, công chiếu ở Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội, hôm 25/9. Trong một tiếng 40 phút, phim giới thiệu vẻ đẹp Sơn Đoòng, từ đó đề cập câu chuyện bảo tồn hệ thống sinh thái trước các lợi ích kinh tế.
Độ kỳ vĩ của hang được thể hiện trong 30 phút đầu, thông qua các cảnh quay và góc nhìn của những người từng thám hiểm. Bộ đôi Meredith và Pete Harvey -khách tham quan Sơn Đoòng năm 2017 - cho biết: "Điều này quá đặc biệt với chúng tôi. Khi bạn bước vào trong hang động khổng lồ này, và nhìn lên, đó là kích cỡ của một tòa nhà chọc trời, và bạn đang tự hỏi tại sao trước đó không ai đến đây".
Đến nơi nàycách đây 5 năm, David Birner không quên ấn tượng khi bước vào hang: "Nó là một sân khấu tương phản, kết hợp giữa tầm vóc và sự bí ẩn, không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy trước đây".
Đạo diễn sử dụng các góc máy rộng, hướng từ trên cao xuống, nhằm thu trọn vẻ đẹp của lòng hang. Những âm thanh từ bước chân, dòng nước chảy được ghi lại chân thực. Ở một số cảnh chỉ có tiếng động từ các loài sinh vật, người dân sinh hoạt, khiến khán giả hoàn toàn hòa vào khung cảnh tại đó.
Du khách khám phá hang động. Ảnh: Fanpage A Crack in the Mountain
Câu chuyện người dân tìm thấy hang như thế nào cũng được kể lại ở nửa đầu phim. Hang Sơn Đoòng nằm ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cao 200 m, rộng 175 m và dài 9,4 km, có thể chứa vừa một tòa nhà 40 tầng, do ông Hồ Khánh - một người dân địa phương tình cờ phát hiện năm 1991. Tuy nhiên đến năm 2009, ông cùng chuyên gia Howard Limbert mới chính thức thám hiểm toàn bộ hang. Năm 2010, tờ National Geographic công bố tìm được hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, đặt tên làSơn Đoòng. Hang lần đầu đưa vào khai thác du lịch với số lượng khách hạn chế hàng năm hồi tháng 8/2013.
Phim nhắc đến một số dự án khai thác du lịch Sơn Đoòng từng được đề xuất, qua đó nhấn mạnh thông điệp cần bảo tồn hang.
Năm 2014, Quảng Bình lên kế hoạch xây cáp treo vào hang nhưng gây tranh cãi. Từ đây, phim chuyển cảnh về TP HCM, với lời kể của Lê Nguyễn Thiên Hương - một trong những người Việt đầu tiên thám hiểm kỳ quan, đồng sáng lập dự án Save Sơn Đoòng năm 2014. Đây là chiến dịch bảo vệ môi trường đầu tiên của thế hệ trẻ Việt Nam thực hiện thành công, giúp công chúng có cái nhìn cụ thể hơn về những tác hại của việc xây dựng cáp treo trong hang.
Lê Nguyễn Thiên Hương trong một buổi thuyết trình. Ảnh: Fanpage A Crack in the Mountain
Quá trình thực hiện dự án, Thiên Hương nhiều lần suy nghĩ về việc nhờ du lịch, cuộc sống của người dân Quảng Bình sẽ được phát triển hơn. Song cô kiên định mục tiêu hướng đến du lịch bền vững, nhằm bảo tồn các giá trị tự nhiên của Sơn Đoòng. "Cả cuộc đời tôi đã liên tục kiếm tìm một điều gì khiến tôi cảm thấy thực sự tâm huyết và có thể hy sinh vì nó. Dự án Save Sơn Đoòng đã cho tôi cảm giác đó", cô nói.
Nhà báo Bill Hayton, từng ra mắt cuốn Việt Nam: Con rồng trỗi dậy (2010), nêu thực trạng: "Một vài nơi rất độc đáo đã bị phá hủy, thực chất bởi sự phát triển quá đà. Vịnh Hạ Long là một ví dụ điển hình. Nó đẹp như một bức tranh, hoặc ít nhất cũng gần như vậy. Nhưng bởi tốc độ phát triển và sự thiếu quan tâm về những hậu quả của sự phát triển này đã tạo ra sự ô nhiễm phá hoại gây sốc cho cảnh quan môi trường''.
Đạo diễn Evans cho biết về cốt lõi, phim tập trung phản ánh những thử thách mà Việt Nam thời hiện đại phải đối mặt. "Trên thế giới hiện nay, mọi người không thể tìm ra sự cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế. Tôi nhận thấy cuộc chiến này diễn ra khốc liệt ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam", Evans nói.
Khán giả Việt Trinh, 26 tuổi, ở Hà Nội, bất ngờ khi xem tác phẩm. "Trước đây, tôi không hiểu vì sao mọi người phải đi thám hiểm Sơn Đoòng, nhưng phim đã cho tôi câu trả lời. Tôi thích những cảnh quay trong hang động, không ngờ rằng dưới lòng đất lại có kỳ quan chứa cả một hệ sinh thái như vậy", Việt Trinh nói. Là người quan tâm du lịch, yêu thích những giá trị tự nhiên, khán giảcũng đồng tình ý nghĩa mà phim gửi gắm.
Tuy nhiên, tác phẩm đôi lúc sa đà vào lời kể của các nhà hoạt động xã hội, khách du lịch, người dân, khiến phim dài dòng. Trang Film Review nhận xét nếu đưa câu chuyện của Lê Nguyễn Thiên Hương lên trước, phim sẽ tạo ấn tượng ban đầu mạnh mẽ. Trong một số phần chia sẻ của dân địa phương, âm thanh khá nhỏ, không rõ tiếng.
Tại buổi công chiếu lần đầu ở Hà Nội, Alastair Evans nói biết ơn khi thấy hơn 500 khán giả đến xem, nhiều người nán lại cuối buổi để giao lưu với anh. Đạo diễn cho biết trong thời gian làm việc cùng chính quyền tỉnh Quảng Bình, anh đánh giá cao việc người dânkiên địnhvới phát triển du lịch bền vững, nhằm bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên, tránh mắc lại sai lầm của một số địa phương khác như Sa Pa, Phú Quốc. Evans hy vọng chính quyền duy trì điều này, để Phong Nha - Kẻ Bàng là mảnh đất trong mơ với những nhà du lịch thám hiểm.
A Crack in the Mountain ra mắt lần đầu tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế DMZ 2022. Dự án nhận nhiều giải thưởng, trong đóđoạt Phim của năm tại LHP Phiêu lưu Bắc Âu (Đan Mạch) và Phim tài liệu Quốc tế tại LHP Quốc tế Sedona ở Arizona (Mỹ).
Alastair Evans là đạo diễn người Anh và được truyền cảm hứng làm phim từ nhà biên kịch David Simon. Anh từng tham gia bộ phận hậu cần trong tác phẩm hài - lãng mạn gây tiếng vangLove Actually (2003) nhằm học hỏi kinh nghiệm trên trường quay. Năm 2000, Evans cho ra mắt phim ngắn đầu tay Gigantic Youth nói về những mâu thuẫn ở tuổi trưởng thành.
Phương Linh