adeno_1.jpg

Virus adeno thường gây cảm lạnh hoặc cúm thông thường ở trẻ. Ảnh: 127pediatrics.

Adeno là loại virus cỡ trung bình, không có vỏ bọc, có phạm vi lây nhiễm rộng, phổ biến nhất là gây cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Virus adeno thường liên quan các triệu chứng giống cảm lạnh nhẹ ở mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, bệnh xảy ra phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù hiếm khi biến chứng nặng, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng với những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc đang có vấn đề về hô hấp hay tim mạch.

Vì trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh hơn, cha mẹ nên biết các triệu chứng ban đầu của loại virus rất dễ lây lan này, có thể dẫn đến bệnh nhẹ hoặc nặng.

Triệu chứng khi nhiễm adeno

Theo Hindustan Times, nhiễm virus adeno có thể xảy ra ở trẻ mọi lứa tuổi. Trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi đã đi nhà trẻ có nhiều khả năng bị bệnh với các loại virus dễ lây lan này. Nhiễm virus adeno ở đường tiêu hóa phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết trẻ em sẽ bị ít nhất một dạng bệnh do virus này trước 10 tuổi.

Hầu hết trường hợp nhiễm adenovirus đều nhẹ với ít triệu chứng. Nhưng các triệu chứng có thể xảy ra hơi khác nhau ở mỗi trẻ. Các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp có thể bắt đầu từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Chúng có thể bao gồm:

  • Sổ mũi.
  • Đau họng.
  • Sốt.
  • Ho dữ dội.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Đau đầu.
  • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Trong khi đó, các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể bắt đầu từ 3 đến 10 ngày sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể kéo dài từ một đến 2 tuần. Chúng có thể bao gồm:

  • Tiêu chảy đột ngột.
  • Sốt.
  • Đau bụng.
  • Nôn mửa.

Virus adeno có thể làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, vì vậy, nếu không được điều trị, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

- Bệnh phổi mạn tính: Trong những trường hợp rất hiếm, trẻ bị viêm phổi do virus adeno có thể phát triển thành bệnh phổi mạn tính.

- Nhiễm trùng nặng: Một đứa trẻ có hệ thống miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus adeno nghiêm trọng hơn.

- Lồng ruột: Đây là khi một phần của ruột trượt qua phần khác, gây tắc nghẽn đường ruột. Nó thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này là trường hợp cần cấp cứu y tế. Các triệu chứng có thể bao gồm phân có máu, nôn mửa, sưng bụng, đầu gối gập vào ngực, kêu to vì đau, suy nhược và thiếu năng lượng.

adeno_2.jpg

Sốt là triệu chứng điển hình khi trẻ nhiễm virus adeno. Ảnh: Healthline.

Cách adeno lây lan

Theo Healthy Children, virus adeno thường lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc thân mật, chẳng hạn chạm hoặc bắt tay, hoặc qua ho và hắt hơi. Một số trường hợp khác có thể lây truyền qua phân của một người, chẳng hạn khi thay tã cho em bé.

Virus adeno cũng có thể lây truyền khi chạm vào đồ vật hoặc bề mặt bị nhiễm bệnh, sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt trước khi bạn rửa tay. Ngoài việc lây lan trong không khí, adeno cũng có thể lây truyền qua nước, như bể bơi.

Có thể ngăn chặn adeno không?

Các triệu chứng của bệnh do virus adeno thường nhẹ và có thể được kiểm soát bằng cách nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn hay thuốc hạ sốt. Không có thuốc kháng virus hoặc phương pháp nào được phê duyệt để điều trị bệnh do virus adeno.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, tuân thủ các biện pháp vệ sinh đúng cách. Ngoài ra, không chạm tay chưa rửa vào mắt, mũi hoặc miệng.

Vì căn bệnh lây truyền qua không khí, điều rõ ràng là chúng ta nên tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh. Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu nghi ngờ con mình có thể bị nhiễm virus adeno hoặc có hệ thống miễn dịch yếu, vì các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu mắc bệnh.

Ngoài ra, hãy thông báo cho bác sĩ nếu trẻ bị sốt cao trong vài ngày, có vấn đề về thị lực hoặc đang bị tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng.

Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.

Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022