Sáu năm trước, khi con chào đời, Tường Vân, 30 tuổi, ở Thủ Đức, TP HCM bàn với chồng bỏ chế độ "nộp lương cho vợ". Chị thỏa thuận anh giữ toàn bộ thu nhập của mình, chỉ cần đóng tiền điện nước, Internet, mua sữa tã cho con đầy đủ. Vân phụ trách tiền chợ búa và gửi tiết kiệm. Còn lại, hai người sẽ thống nhất các khoản chung dành cho tương lai của con, tiền dự phòng...
Tường Vân nhận ra kể từ đó chồng trách nhiệm hơn trong quản lý chi tiêu cá nhân, không còn ỷ lại vợ. Chị cũng không phải đau đầu tính toán từng đồng cho chợ búa và các khoản chi tiêu. ''Ai cũng chủ động, từ đó độc lập và thoải mái hơn. Nhà tôi không còn xung đột tài chính nữa'', chị kết luận.
Tường Vân và chồng tìm được tiếng nói chung khi tiền ai người đó tiêu. Ảnh nhân vật cung cấp
Các nhà xã hội học và tâm lý cho hay, xu hướng vợ chồng xây dựng quỹ chung, giữ lại một khoản riêng đang phát triển trong các gia đình trẻ Việt Nam nói chung và trên thế giới nói riêng.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP HCM) cho biết, ở Việt Nam chưa có khảo sát nào về gia đình áp dụng mô hình quản lý tài chính "tiền ai người đó tiêu", nhưng qua các buổi tham vấn, nói chuyện chuyên đề, bà nhận thấy khoảng 80% gia đình trẻ chọn cách quản lý tài chính này.
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Insider and Morning Consult (Mỹ) năm 2019 với 2.000 người cho thấy 37% thế hệ trẻ đã kết hôn giữ tài chính tách biệt với bạn đời, trong khi ở thế hệ cha mẹ họ, con số này là 27%.
''Vợ chồng thời nay đa phần có công việc đa dạng, nhiều nguồn thu và cũng nhiều khoản chi không cố định nên độc lập tài chính sẽ hợp lý hơn, thay vì tiền thu về một mối như truyền thống'', bà Thúy nhận định.
Theo chuyên gia, giống như gia đình Tường Vân, khi vợ chồng đều có thu nhập, thì tiền ai người đó tiêu sẽ giúp cả hai có được sự độc lập tài chính, độc lập tư tưởng, từ đó thấy tự tin, thoải mái hơn, giúp gia đình hạnh phúc.
''Tiền chỉ là công cụ, nhưng lại ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng. Khi trục trặc trong mối quan hệ tiền bạc, sẽ dẫn đến trục trặc trong tình cảm, giao tiếp, thậm chí tình dục, khiến chất lượng sống gia đình giảm'', bà nói.
Đây là tình cảnh của Tường Vân năm đầu hôn nhân. Thu nhập của anh chị mỗi người khoảng 10 triệu đồng. Hàng tháng, người chồng đưa 80% thu nhập cho vợ giữ. Tường Vân phải xoay xở chi tiêu tiền điện, tiền nước, chợ búa, các khoản phát sinh lẫn tiết kiệm. Trong khi đó, chồng chị không biết gì về chi tiêu nên thấy vợ than thở thiếu tiền, anh lại hỏi "mới đưa mà hết rồi à?".
Anh cũng hay thắc mắc về các khoản chi khiến Vân stress. ''Tôi áp lực vô cùng khi vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa phải cân bằng chi tiêu, chăm lo cho con cái. Hai vợ chồng vì vậy mà cãi vã'', chị kể.
Thanh Hảo (26 tuổi, Hà Nội) và chồng trước khi kết hôn đã thống nhất đóng góp vào các khoản chung và tiết kiệm dựa trên phần trăm thu nhập, còn lại tiền ai nấy giữ.
Lương của cô, một biên tập viên truyền hình khoảng 18 triệu đồng một tháng, còn chồng Hảo thu nhập cao hơn. Anh chi vào khoản chung nhiều hơn. Các khoản tiền riêng của bạn đời bao nhiêu, hai người không biết và cũng không can thiệp. Khi cần huy động một số tiền lớn, cả hai bàn bạc và thống nhất ai sẽ chi bao nhiêu.
"Với cách này, chúng tôi chỉ thấy ưu điểm", cô nói. Họ được tự do chi tiền cho các hoạt động, sở thích cá nhân, học hành và cảm thấy tự chủ kinh tế. Từ lúc yêu đến lúc cưới, đôi trẻ chưa từng gặp bất hòa về tài chính.
''Tôi chỉ biết thu nhập của anh từ hai năm trước chứ bây giờ không rõ. Nhưng vì anh là người có khả năng quản lý tài chính tốt nên tôi rất tin tưởng'', Hảo cho hay. Cô dự tính khi có con, hai người sẽ cùng tính toán lại cách điều phối tiền của gia đình một lần nữa.
Thanh Hảo và chồng trước khi cưới đã thống nhất về cách chi tiêu nên chưa từng mâu thuẫn tài chính. Ảnh nhân vật cung cấp
Tuy vậy, tiến sĩ Thúy cảnh báo mô hình tài chính gia đình này có nhiều tích cực nhưng sẽ có hại nếu vợ chồng không có tiết kiệm chung, không hoạch định kế hoạch chi tiêu. "Nhiều gia đình đang gặp tình trạng cả hai hoang phí, vung tay, đến khi cần khoản lớn bất ngờ lại không có", bà Thúy nói.
Vợ chồng Bích Thùy (30 tuổi, ở Hồ Tây, Hà Nội) nằm trong số đó. Họ không lập kế hoạch tài chính hay tổng kết chi tiêu trong tháng. ''Tôi không biết chồng thu nhập bao nhiêu, chỉ bảo anh lo được hết các khoản lớn cho gia đình là được'', Thùy nói.
Cô gái là nhân viên văn phòng có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Hàng tháng, Bích Thùy chi hơn 9 triệu đồng cho con trai học mẫu giáo, còn lại chi tiêu cho riêng mình, hầu như không có tiết kiệm. Các khoản điện nước, dịch vụ nhà ở và khoản lớn khác do chồng phụ trách. Hai vợ chồng có ba thẻ ghi nợ nên chợ búa, mua sắm cho gia đình, Bích Thùy đều quẹt thẻ còn để chồng thanh toán. Tiền thưởng Tết hàng năm khoảng 100 triệu đồng, cô góp với chồng vào quỹ đầu tư chứng khoán. Đó cũng là khoản chung duy nhất của hai vợ chồng.
Năm ngoái, chứng khoán thua lỗ, hai vợ chồng lại đi du lịch nhiều nơi, thâm hụt khoảng 100 triệu đồng. ''Chúng tôi không tổng kết chi tiêu nên không biết một tháng phải chi bao nhiêu để tiết chế'', Bích Thùy nói. Cô thừa nhận cách quản lý tài chính thiếu hợp lý nhưng vì quen thoải mái nên hai vợ chồng chưa thể thay đổi.
Vì không bàn bạc, thống nhất chi tiêu, chỉ dựa trên sự tin tưởng nên Bích Thùy lo nếu sau này chồng không trung thực tài chính, mình cũng không thể biết. "Tôi cũng lo nếu cứ thế này, sinh thêm con hai vợ chồng không đủ chi tiêu", Thùy nói.
Gia đình Bích Thùy trong một chuyến du lịch năm 2022. Ảnh nhân vật cung cấp
Chuyên gia cho rằng không có cách quản lý tài chính nào phù hợp với mọi gia đình, mà phụ thuộc vào mức thu nhập từng hộ và hai người cảm thấy thế nào về cách quản lý đó.
Vì vậy, để tránh bất đồng, vợ chồng cần ngồi lại với nhau, nói thật rõ ràng quan điểm của từng người, mục tiêu của gia đình, về số tiền có thể kiếm được (gồm cả khoản cố định và không cố định) và đưa ra giải pháp chi tiêu phù hợp. Vợ chồng luôn phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng, chia sẻ và tin tưởng nhau.
Bà Thúy lưu ý, dù tiền ai người đó tiêu, vợ chồng cũng nên thống nhất chi ở mức bao nhiêu thì cần thông báo với bạn đời, để thể hiện sự tôn trọng.
''Có gia đình, chồng chỉ mua cho bố mẹ đẻ cái quạt, không nói với vợ mà mâu thuẫn đến mức ly hôn. Việc chi tiền mua cái quạt đó không phải là vấn đề, mà vấn đề ở chỗ bạn đời thấy bị coi thường'', chuyên gia nói.
Phạm Nga