Từ vệ sinh cá nhân cho đến cắm nồi cơm điện, pha gói mỳ, Tùng chưa từng phải làm. Chàng trai 22 tuổi ở Thái Bình đụng vào việc gì mẹ cũng không cho vì sợ hỏng, sợ bẩn, sợ con bị thương. Lâu dần, Tùng nghiễm nhiên ngồi không hưởng thụ để mẹ phục vụ. Sau lần xung đột với mẹ trong nhà tắm năm 13 tuổi, cậu thiết lập được quyền riêng tư duy nhất đó.
Tốt nghiệp cấp ba, Tùng muốn theo học ngành thiết kế đồ họa hoặc IT nhưng bố ngăn cản, bắt học cao đẳng, chuyên ngành sửa chữa ôtô.
Cậu thanh niên từ Thái Bình khăn gói lên Hà Nội ở trọ cùng một người bạn. Trước khi đi, bố Tùng bổ túc cho con cách nấu vài món đơn giản như trứng rán, xào mỳ, kho thịt. Những thứ khác, Tùng tin mình làm được vì giờ ''Internet muốn gì cũng có''. Nhưng bố chỉ dạy nấu ăn, không dạy rửa bát nên cậu ăn xong quăng bát đĩa vào bồn, chẳng bao giờ đổ rác hay quét phòng, khiến bạn ở cùng bực bội.
Tùng cũng không biết cách chia sẻ không gian chung. Sau lần cãi nhau với bạn, cậu dọn khỏi phòng trọ. Tùng được bố mẹ tìm cho chỗ ở mới cùng một đồng hương hơn hai tuổi. Nhưng tình trạng cũ lặp lại, chỉ vài tháng, cậu chuyển đến ở với gia đình chú ruột.
Lần này, mọi chuyện yên ổn khi cậu được chú bảo bọc. Nhưng từ ngày có đứa cháu, vợ chồng chú không ít lần cãi vã vì "không muốn nuôi thêm một đứa trẻ trong nhà".
Đường học của cậu cũng trắc trở. Vì không học đúng ngành yêu thích, Tùng bỏ giữa chừng để đi làm. Nhưng thu nhập bập bõm, Tùng thường xuyên phải nhận trợ cấp từ bố mẹ, vay mượn chú thím, bạn bè sống qua ngày nhưng nhất định không về sống với mẹ.
Nguyễn Thu Trang, 25 tuổi, cho biết ngại giao tiếp, không thích nơi đông người và không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống khi được bảo bọc quá mức. Ảnh nhân vật cung cấp
Những đứa trẻ Việt được bảo bọc quá mức dẫn đến bối rối trên đường đời không phải hiếm. Khảo sát của nghiên cứu sinh Đại học Harvard Đỗ Hồng Hoàng My thực hiện tại một trường chuyên ở TP HCM và học sinh ở một tỉnh cao nguyên năm 2021 cho thấy, học sinh thành phố được gia đình chu cấp đầy đủ, nhiều cơ hội, được định hướng sẵn nghề nghiệp lại dẫn tới ba kết quả: thụ động, không biết gì (bối rối) để lựa chọn về phát triển tương lai hoặc bất hòa với cha mẹ vì muốn tìm lối đi riêng.
Trong khi đó, học sinh Tây Nguyên lại vượt trội trong khả năng tự định hướng, tự đưa ra những quyết định. "Chính sự đầy đủ của lại là cái các bạn cần vượt qua. Vượt sướng là vượt qua cái bóng của bố mẹ", Hoàng My chia sẻ với VnExpress.
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam, tháng 8/2020, của Hội đồng Anh cho hay, 75% người tham gia khảo sát cho biết gia đình là yếu tố căn bản định hình nên con người họ và 80% cho rằng chí ít thì gia đình cũng là một yếu tố chi phối quá trình tự định danh.
Thạc sĩ Phương Hoài Nga, nhà tham vấn - trị liệu tâm lý cho trẻ em và gia đình tại Hà Nội, cho biết, chưa có thống kê nào khẳng định cha mẹ Việt bảo bọc con nhiều hay ít, nhưng đây được coi là đặc điểm của cha mẹ châu Á, khác với cha mẹ ở các vùng khác trên thế giới.
PGS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) cho rằng cha mẹ quá bảo bọc con là hệ quả của quá trình phát triển. Những quan sát gần đây ở các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chứng kiến tình trạng này. "Ngày nay, mỗi gia đình chỉ một, hai con nên họ dành nhiều tâm huyết, lo toan cho con nhiều hơn, dẫn đến quá bảo bọc'', ông nói.
Theo chuyên gia, nhiều cha mẹ, đặc biệt những người thuộc thế hệ 8X, sống trong thời kỳ bao cấp thiếu thốn nên muốn bù đắp những thiếu hụt vật chất, tinh thần trong quá khứ cho con, dẫn đến quá nuông chiều trẻ.
Theo thạc sĩ Phương Hoài Nga, từ ''bảo bọc'' làm liên tưởng đến những đứa trẻ được nuôi lớn trong một cái bọc, gợi cảm giác ngột ngạt. Trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ quá bảo bọc sẽ bị hạn chế khả năng khám phá thế giới hoặc xây dựng mối quan hệ.
Nguyễn Thu Trang (25 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, cô như bị nhốt trong vòng kim cô, vì cách nuôi dạy của cha mẹ. Cô chơi với ai, đi đâu, làm gì mẹ cũng kiểm soát gắt gao. ''Phòng tôi có camera, điện thoại cài định vị, ở lớp có bạn được mẹ nhờ báo cáo tình hình... nói chung tôi chẳng có tự do'', cô kể. Trang được cho ăn ngon, mặc đẹp, sắm mọi đồ chơi, đi du lịch tất cả những nơi mình muốn, nhưng phải là với mẹ.
Ông Lộc cảnh báo, cũng như Thu Trang hay Tùng, việc một đứa trẻ được bảo bọc quá nhiều sẽ mất kỹ năng sinh tồn, khả năng chống chọi với biến động và cú sốc xã hội kém. Đứa trẻ cũng có kỹ năng xã hội thấp, coi mình là trung tâm, ít quan tâm đến người khác.
"Con người mạnh mẽ hơn qua các hình thức tương trợ, khi có thể học hỏi nhau, thông qua tương tác xã hội. Chính vì vậy, liên kết xã hội lỏng lẻo sẽ tạo ra một kiểu trật tự xã hội mới, chưa thể gọi tên, nhưng không thể như trước nữa", ông nói.
Con người mong manh hơn có nghĩa họ không có khả năng chống chọi trước biến cố tự nhiên, không hiểu các quy luật tự nhiên và thấy mình nhỏ bé, yếu đuối hơn. Người trẻ dễ trầm cảm dẫn đến tự tử, tự kỷ... nhiều hơn, vì yếu đuối hơn, theo ông Lộc.
Đến tuổi 16, Thu Trang nổi loạn, bỏ khỏi nhà mà không cầm theo điện thoại hay ví tiền. Đến nhà ai cũng sợ bị mẹ biết, cô lang thang khắp các con phố, suýt bị một người đàn ông lạm dụng. ''Tôi thấy mình là kẻ vô dụng nếu rời xa cha mẹ, nên lại trở về, chấp nhận làm búp bê tủ kính'', Trang nói.
Có điều, cô và bố mẹ vài ngày lại tranh cãi nảy lửa. Cô bị mắng là "sướng quá hóa rồ". Chẳng có bạn bè thực sự để chia sẻ, Trang trầm cảm, chán ăn, thấy cuộc đời vô nghĩa.
Tùng cũng phải chuyển việc 4 -5 lần trong năm đầu đi làm vì bất đồng với đồng nghiệp, với sếp hoặc không đủ khả năng. Khi đã bước ra khỏi các mối quan hệ, nhìn lại, Tùng mới thấy đa phần lỗi do kỹ năng sống của mình thiếu hụt.
Chuyên gia khuyên cha mẹ nên đồng hành để con khám phá thế giới, khám phá tự nhiên, thay vì quá bảo bọc. Ảnh: P.Nguyên
Thạc sĩ Phương Hoài Nga cho rằng không phải tất cả đứa trẻ được bảo bọc đều trở nên mong manh hay thiếu hụt kỹ năng. Nếu có điều kiện trải nghiệm với các môi trường khác ngoài gia đình, nơi có nhiều cơ hội khám phá và trẻ có bản tính tự lập mạnh mẽ, chúng vẫn thoát khỏi ''vòng kim cô'' một cách lành mạnh.
Tuy nhiên, với những đứa trẻ không đủ sức mạnh để thoát ra, chúng sẽ thường trực cảm giác bất an. ''Trẻ vuốt tay vào con mèo sẽ bị dọa 'nó cắn đấy', ngửi hoa thì bảo 'hoa độc đấy', tiếp xúc với ai cũng bị nói không an toàn, lâu dần khiến trẻ nghĩ thế giới thật đáng sợ'', bà Nga nói.
Chuyên gia cảnh báo, trẻ được nuôi dạy bởi sự bảo bọc của cha mẹ hay lo lắng có thể nhiễm lại nhận thức của cha mẹ rằng "thế giới không đâu an toàn" và cách duy nhất để thoát khỏi lo âu là tránh né.
Theo ông Lộc, cha mẹ nên nhớ nguyên tắc ''lớn lên cùng con", nghĩa là hãy để trẻ được lớn, được tự do khám phá thế giới và sống cuộc đời của mình, nhưng cha mẹ hãy đồng hành cũng trẻ.
Trong khi đó, bà Nga khuyên phụ huynh thay vì bảo bọc, hãy bảo vệ con, nghĩa là giúp cho trẻ lớn lên an toàn, nhưng không phải bằng cách né tránh nguy hiểm, mà biết các chiến lược nhận biết, đối diện và vượt qua nguy hiểm.
Một lần, Tùng mạnh dạn tâm sự với chú thím về vấn đề của bản thân, nên được thông cảm, chỉ dạy nhiều hơn. Cậu được định hướng học một khóa về thiết kế đồ họa như mong muốn.
Đầu năm nay, Tùng chuyển khỏi nhà chú thím để học cách độc lập. ''Có lẽ tôi là đứa có tuổi thơ dài nhất thế giới. Tôi phải lớn thôi'', Tùng nói.
* Tên các nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga