Với bà, những món ăn quê hương vẫn thân thuộc và quen miệng nhất. 28 năm lưu lạc xứ người nhưng bà Chiều nói, tất cả cảnh sắc ở xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang vẫn thân thuộc như thể mới xa cách vài ngày. Người phụ nữ 58 tuổi nhớ từng thửa ruộng, con đường quê, dẫu nay đã nhiều đổi thay. Ngày cưới của anh chồng, ngày sinh của cháu họ, bà đều nhớ rõ như sống trên mảnh đất quê hương 28 năm qua.

"Giờ về Việt Nam rồi, tôi sẽ ở đây bù đắp tình cảm cho các con", bà Chiều nói.

Anh Phạm Xuân Mai, 37 tuổi, con trai thứ hai của bà Chiều kể, với anh giây phút nghe tin mẹ từ Trung Quốc đang tìm cách liên lạc về nhà cách đây hơn một năm vẫn in đậm. Hôm đó, anh vứt cả xe gỗ trong rừng, chạy thục mạng về nhà, tay run bắn bấm điện thoại. Thấy khuôn mặt Mai và anh trai Phạm Xuân Định hiện lên màn hình, bà Trần Thị Chiều lập tức bưng mặt khóc. "Mẹ không bỏ các con đâu, mẹ bị lừa bán sang đây, không có cách gì liên lạc được với các con", bà nói.

Anh Mai cho biết, cha mất khi anh chưa chào đời, anh trai mới hai tuổi. Mẹ ở vậy làm ruộng, làm thuê nuôi hai con ăn học. Dẫu chăm chỉ, ba mẹ con sống trong túp lều xập xệ vẫn bữa đói, bữa no.

Tháng 11/1994, khi chỉ còn ít ngày nữa đến giỗ chồng, bà Chiều được một người cháu gọi họ tên Thắng, ở thôn Đông Kênh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế rủ lên Lạng Sơn chặt mía thuê kiếm thêm thu nhập. Muốn có cái giỗ chồng tươm tất, các con bớt đói, bà theo đứa cháu đi.

"Mẹ để lại cho hai anh em tôi một con lợn, 7 bao thóc và 19,5 nghìn đồng. Mẹ dặn đi ba ngày đến giỗ bố là về, nếu hết gạo, hai anh em chở thóc ra xát", anh Mai nhớ lại.

Nhưng hai đứa con đợi qua giỗ bố vẫn chẳng thấy mẹ về. Họ hàng, người trong thôn nghĩ bà Chiều khổ quá nên bỏ con đi biệt tích. Hai đứa trẻ vẫn tin mẹ không nói dối mình, cố ở lại mái nhà có hơi mẹ thêm một tháng cho đến khi chú ruột thuyết phục về ở cùng. "Một tháng, một năm rồi đằng đẵng mấy chục năm đến khi chúng tôi cũng tin mẹ bỏ mình mà đi, nhưng chưa bao giờ ghét bà. Anh em tôi cứ nghĩ mẹ khổ quá mà phải bỏ con", người con nói.

Họ không biết mẹ mình bị lừa bán sang Trung Quốc.

Bà Chiều kể, năm đó đi đến Lạng Sơn, đứa cháu bảo đưa chứng minh thư và tiền để anh ta cầm hộ cho an toàn. "Chiều đó, tôi thấy biển quảng cáo toàn chữ Trung Quốc mới phát hiện mình đã ở đất xứ người", bà nói.

Bà Chiều bị đẩy vào nhà chứa cùng rất nhiều phụ nữ Việt. Ở đó 10 ngày, bà và 6 phụ nữ khác bị hai người đàn ông đưa lên ôtô chở vào sâu trong rừng. Người phụ nữ Việt bị bán qua tay nhiều kẻ buôn người khác nhau, trước khi bị ép kết hôn với một người đàn ông hơn 6 tuổi ở tỉnh Quảng Đông.

325424393-512434144313544-3100-4342-6603-1674024005.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i4onWhefO6n7-1YutMEj6g

Bà Chiều tay ôm hoa, chụp ảnh cùng con dâu và bốn cháu nội, hôm 22/12/2022 (29/11 âm lịch), tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh gia đình cung cấp

Người phụ nữ luôn khát khao hồi hương bị nhà chồng canh giữ cả ngày, đi một bước cũng có người theo sát. Ở đó chỉ có rừng xanh, núi đỏ, người mẹ phải lên rẫy làm nương, ở nhà thì chăn lợn. Không tiền, không giấy tờ tùy thân, không biết tiếng Trung, bà Chiều bơ vơ ở xứ người. "Tôi nhớ mọi thứ về các con, về họ hàng, uất hận kẻ lừa bán mình mà chỉ biết khóc", người mẹ nhớ lại.

Bà may mắn lấy được người chồng không đánh đập. Nhưng khi nói muốn về Việt Nam, người đàn ông muốn bà phải sinh con cho mình, nuôi đứa trẻ đến khi vào đại học. Sau 10 năm bị ép làm vợ, bà sinh một đứa con gái, năm 2004.

Năm 2021, con gái vào đại học, gia đình chồng giữ lời hứa, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để tìm cách cho bà Chiều hồi hương, sau 28 năm. Không giấy tờ tùy thân, bà được yêu cầu khai thông tin về nguồn gốc tại Việt Nam và phải kết nối với hai người đang sống ở Việt Nam để xác thực.

"Dẫu ở đất Trung Quốc nhưng hồn tôi vẫn ở Việt Nam. Tôi nhớ rõ từ ngày sinh tháng đẻ của hai đứa con, địa chỉ ở đâu, nhà nội, ngoại có những ai nên khai rõ ràng", bà kể.

Qua mạng xã hội, bà kết nối được với một người lái taxi ở Thường Tín, Hà Nội, có chị gái cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Chính người này đã đến tận nhà ngoại bà Chiều ở xã Nghĩa Hòa để xác nhận thông tin từ chính quyền gửi sang Trung Quốc làm hộ chiếu và giúp mẹ con bà kết nối qua mạng xã hội.

"Hôm mẹ gọi về đúng ngày sinh nhật anh Định. Mẹ còn hỏi sao nay sinh nhật con mà không tổ chức gì à, làm anh em tôi nghẹn lại", anh Mai kể.

Mồ côi cha sớm, mẹ đi biền biệt không về, hai anh em anh Mai sống cùng chú ruột. Chú nghèo, nuôi cho hai cháu đứa học hết lớp 8, đứa học hết lớp 9 thì tự mưu sinh. Đường đời trăm ngả, Mai, Định vào nam, ra bắc làm thuê kiếm kế mưu sinh. Ở tuổi gần 40, cả hai đều có vợ, có con. Họ bù đắp cho những thiếu hụt của tuổi thơ bằng tình yêu dành cho gia đình nhỏ của mình.

"Chúng tôi tự hào vì không cha, không mẹ nhưng sống tử tế, kiếm ăn bằng mồ hôi. Có điều, thiếu hơi ấm của cha mẹ từ ngày thơ đến lúc trưởng thành, chẳng gì bù đắp nổi", anh nói.

Cuối năm 2022, được tin mẹ được về Việt Nam, anh Mai xin nghỉ làm, cùng chị dâu, con gái và các cháu lên cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh đón mẹ về. "Anh tôi làm công nhân không thể xin nghỉ việc, còn vợ tôi đang mang bầu", người con thứ kể.

Lịch đón bà Chiều sau giỗ chồng ở Việt Nam một ngày. Vì muốn chuẩn bị đón mẹ tươm tất, anh em anh Mai chỉ luộc khoanh thịt, quả trứng với bát cơm cúng bố, đợi mẹ về làm cơm thưa chuyện với hương hồn cha sau.

Mờ sáng ngày 22/12/2022, cả nhà đón xe lên cửa khẩu. Ngồi trên ôtô, anh Mai chụp bức ảnh cả gia đình, đăng lên mạng xã hội kèm dòng tâm sự "28 năm, nay tôi mới được gặp lại mẹ".

325021027-496795165868490-7992-9695-9259-1674024005.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EaBRNkZhgB0fxHg3O7wKog

Anh Mai (trái) bên mẹ và anh trai, trưa 27 tháng Chạp. Ảnh gia đình cung cấp

Từ hôm đó đến nay, anh em Mai liên tục nhận được điện thoại chúc mừng, hỏi thăm từ bạn bè, người thân. Hai anh em anh đã ra ở riêng nhưng gần tháng nay dọn về ăn cùng mâm để sum vầy với mẹ. "Ai cũng biết tôi thiếu vắng mẹ nên gọi chúc mừng cho hạnh phúc bất ngờ của anh em tôi", anh Mai nói.

Ông Đồng Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, bà Chiều trước đây có hộ khẩu tại địa phương, nhưng do lâu năm không có mặt, chính quyền, người dân cứ nghĩ bà bỏ đi. "Khi nhận tin bà bị bán sang Trung Quốc, nay đoàn tụ với gia đình, chính quyền có cử cán bộ thôn, công an tới thăm hỏi, động viên, chúc mừng bà đoàn tụ", ông nói.

Hai người con của bà và họ hàng đã làm đơn tố cáo đứa cháu lừa bán mợ, gửi cơ quan chức năng, yêu cầu lấy lại công bằng cho mẹ. "Chúng tôi không muốn có thêm gia đình nào phải gánh nỗi đau chia ly mẹ con tôi từng trải qua. Cha mất, mẹ không ở bên, nhưng chúng tôi sống đàng hoàng, không gây họa cho ai, tại sao kẻ tàn ác lại được sống an nhàn, sung sướng", anh Mai nói.

Với các con bà, dẫu một năm qua bộn bề lo toan, vẫn là một năm sung túc, hạnh phúc và đủ đầy nhất vì có hơi ấm của mẹ.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022