Ở bên cạnh, ông Nguyễn Trung Chánh cũng nước mắt chảy dài. Ông gần 70 tuổi liệt giường đã nhiều năm, mắt mù, duy trì sự sống bằng thở oxy. "Cuối cùng ba cũng chờ được tới ngày này", ông Chánh nói.
Hai người từng nghĩ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay sẽ không thể gặp lại cô con gái cho đi lúc 8 tháng tuổi. Nhưng một phép màu đã xuất hiện sau 44 năm.
Chị Lệ Hằng (tên cũ là Nguyệt) trong ngày đoàn tụ với bố mẹ tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM, ngày 15/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu năm 1980, bà Nga sinh con gái thứ tư, đặt tên Nguyễn Thị Nguyệt. Con được vài tháng tuổi, bà đặt con vào chiếc chậu nhôm, cắp theo mình đi bán rau ở chợ Cũ, đường Hàm Nghi, quận 1, TP HCM.
Hai vợ chồng trước đó sống nhờ nhà ngoại gần Cầu Bông, quận Bình Thạnh. Sau bố mẹ bán nhà, bà Nga cùng chồng chạy sang quận 1 buôn bán. Trước khi sinh Nguyệt, họ đã có ba cô con gái. Ngày bán hàng, tối họ ngủ nhờ ở khu chợ, gầm cầu hay bất cứ chỗ nào có thể ngả lưng. Ba đứa con vì thế cũng nhờ người thân nuôi hộ. Đứa ở bên nội, đứa theo bên ngoại, đứa còn lại mắc bệnh rồi chết. Nguyệt sinh ra không thể nhờ thêm ai nên ở cùng bố mẹ.
Cô bé Nguyệt có nước da trắng cùng chiếc cằm chẻ thường được các bà trong chợ tranh nhau bế ẵm. Nhưng vì đói ăn nên Nguyệt còi cọc, chân tay chi chít nốt ghẻ lở. Đứa con gái thứ hai tên Mộng Hiền thi thoảng qua thăm bố mẹ, được giao nhiệm vụ bế em đi chơi. Có lần ngang qua cửa hàng bán đường thốt nốt, thấy đứa em 8 tháng tuổi kéo giật lại, người chị đành ngửa tay xin. "Đói nên vừa cầm lấy cục đường, con bé liếm láp ngon lành", chị Hiền kể.
Đêm nào Nguyệt cũng khóc vì đói sữa. Sợ con sống lâu ngoài đường sinh bệnh mà ốm chết, bà Nga bàn với chồng cho làm con nuôi, hy vọng cô bé có cuộc sống tốt hơn.
Giữa năm 1980, người phụ nữ tên Mười quê Chợ Gạo, Tiền Giang cùng bán hàng tại chợ, giới thiệu cặp vợ chồng hiếm muộn gần nhà muốn xin Nguyệt làm con nuôi. Ngày trao con, lần cuối ôm đứa trẻ nằng nặc khóc đòi mẹ, bà Nga tự hứa "Khi nào có nhà cửa, ba mẹ nhất định sẽ đón con về".
Cuộc sống nay đây mai đó của vợ chồng bà Nga cứ thế trôi qua. Năm 1987 bà sinh con gái thứ 5 đành xin về nhà nội tá túc. Đến năm 1994, khi có con trai út, họ vay thêm tiền mua được ngôi nhà lá tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. "Giờ chỉ mong đón được cái Nguyệt về đoàn tụ là mãn nguyện rồi", bà nói với chồng.
Điều người mẹ sợ nhất là con gái không được yêu thương, bị đối xử tàn tệ. "Có những đêm gặp ác mộng, tôi mơ thấy con chết bờ chết bụi", người mẹ kể.
Bà Nga qua khu chợ cũ hỏi thăm bà Mười về con gái mới biết gia đình nhận nuôi Nguyệt đã rời làng, không rõ tung tích. Thông tin duy nhất về con bà biết là Nguyệt đã được bố mẹ nuôi đổi tên thành Lệ Hằng.
Không tìm được con, nỗi ân hận trong lòng người mẹ ngày càng lớn. Mỗi lần đi qua nơi cô bé từng chỉ chị gái dừng lại xin đường thốt nốt, bà Nga lại khóc.
Biết vợ buồn, nhưng ông Chánh không giúp gì được thêm. Ông từng nghĩ, nếu có duyên gặp lại việc đầu tiên làm là nói lời xin lỗi, hy vọng con gái hiểu và tha thứ cho hành động bất đắc dĩ năm xưa của bố mẹ.
Suy nghĩ này đã theo người cha suốt những năm tháng nằm liệt giường bởi căn bệnh tiểu đường, tràn dịch màng phổi. Hai lần bị bệnh viện trả về tưởng không qua khỏi nhưng ông Chánh vẫn gắng gượng.
"Ba phải sống để gặp lại con gái Nguyệt nói lời xin lỗi, như thế mới yên lòng", ông nói với các con.
Chị Lệ Hằng (áo trắng) đoàn tụ cùng mẹ và anh chị em ruột trong gia đình mình, ngày 15/10. Ảnh: Tuấn Vỹ
Sống cách nhà bà Nga, ông Chánh 12 km, tại TP Thủ Đức, TP HCM, từ 6 tháng trước chị Lê Thị Lệ Hằng đăng tìm cha mẹ ruột trên mạng xã hội. Đây là lần thứ ba người phụ nữ này tìm người thân.
Chị Hằng biết mình là con nuôi từ năm 7 tuổi khi nghe hàng xóm nói chuyện. Không dám hỏi ba mẹ vì sợ mọi người buồn, Hằng tìm gặp bà Mười, người sống cách vài nóc nhà để hỏi thăm. Dù khẳng định cô bé là con nuôi nhưng bà Mười cũng không tiết lộ gì thêm ngoài tên cha mẹ ruột và tên cũ của cô bé.
"Từ đó tôi quyết tâm, lớn lên kiếm được tiền sẽ tự tìm về gia đình đẻ", Hằng kể.
Học hết lớp 7, Hằng theo cha mẹ nuôi buôn bán đủ nghề. Năm 21 tuổi có gia đình riêng và làm mẹ, mong muốn tìm lại người thân lại trỗi dậy trong chị. Dò hỏi thêm thông tin từ bà Mười, Hằng tìm đến khu chợ Cũ, nơi bà Nga ông Chánh từng sinh sống, nhưng không ai biết tung tích. Sau này có người chỉ về chợ Cầu Bông, rồi Tây Ninh, Hằng đều chạy xe đến tìm nhưng không có kết quả.
Thời gian sau đó vì không đủ kinh tế, chị Hằng đành bỏ dở việc tìm kiếm. Đầu năm 2024, có người bạn khuyên chị nên thực hiện tâm nguyện bởi cha mẹ mỗi ngày mỗi già, chần chừ có thể không được gặp họ nữa.
Chị Lệ Hằng quyết định thử thêm một lần nữa.
Trong thông tin đăng tải trên mạng xã hội, bà mẹ ba con nói mong muốn tìm lại gia đình bởi "Không muốn bản thân côi cút và muốn biết mình đến từ đâu". Một tháng, hai tháng rồi nửa năm thông tin đưa lên không có phản hồi. Chị Hằng nghĩ hy vọng của mình đã hết.
Một ngày gần đây, người cháu chồng chị Mộng Hiền tình cờ xem được đoạn video nhắn tìm người thân của chị Hằng. Người này gửi thông tin cho chị Hiền hỏi: "Mợ có họ hàng gì với người phụ nữ tên Hằng này không mà hai người giống nhau đến vậy?".
Thấy có người giống mình, lại nhớ tới đứa em thất lạc, chị Hiền vào xem bài đăng rồi run rẩy khi nghe những thông tin chị Hằng đăng tải trùng khớp với gia đình. "Ngay thời điểm đó tôi đã biết đây chính là em gái mình", người chị nói.
Một cuộc gặp gỡ qua điện thoại sau đó được thiết lập. Bà Nga, chị Hiền khẳng định Hằng chính là cô bé Nguyệt năm xưa bởi "Làn da trắng sáng cùng chiếc cằm chẻ sâu hoắm".
Ngày 15/10, từ sự kết nối này, chị Hằng lần đầu trở về gia đình sau 44 năm xa cách. Gặp lại con, ông Chánh khi đó đang phải thở oxy ngồi được dậy và gắng gượng nói chuyện.
Ngoài lời xin lỗi, người đàn ông này không ngừng cảm ơn trời đất vì đã nghe thấu nỗi lòng, cho gặp lại con gái thất lạc những ngày cuối đời. Vì di chứng bệnh tật, mắt không còn nhìn thấy nên ông Chánh chỉ sờ nắn được khuôn mặt chị Hằng rồi phỏng đoán: "Chắc nó giống tôi lắm".
Ước mơ còn lại của người cha là một lần sáng mắt để nhìn thấy con gái, trước đó bởi kinh tế khó khăn gia đình chưa đủ kinh phí thực hiện phẫu thuật mắt cho ông.
Hải Hiền