Việc quyết định phải làm gì với số phôi còn lại sau quá trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) có thể gây ra nhiều cảm xúc và đấu tranh về mặt đạo đức.
Cách xử lý số phôi dư thừa này thường là tiêu hủy, hiến tặng cho khoa học, tặng cho bệnh nhân khác hoặc lưu trữ với một khoản chi phí.
Nhưng còn một phương pháp ít được biết hơn: chuyển phôi nhân đạo (compassionate transfer). Thủ thuật này bắt chước các bước của việc chuyển phôi truyền thống, nhưng được thiết kế để thất bại và phôi thai sẽ bị đào thải tự nhiên.
![3a2178a55ac30e8831d81b3eb40831-7763-3508-1738715117.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mt3-jjVm6oK132K_msoFng](https://i1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/05/3a2178a55ac30e8831d81b3eb40831-7763-3508-1738715117.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mt3-jjVm6oK132K_msoFng)
Việc xử lý phôi thai - sản phẩm kết hợp của trứng và tinh trùng - gây ra nhiều đấu tranh về đạo đức. Ảnh: Atlantic
Thủ thuật này ra đời để lách các quy định khắt khe về IVF ở những quốc gia yêu cầu chuyển tất cả phôi thai vào cơ thể bệnh nhân. Tại Mỹ, sự phổ biến của thủ thuật chủ yếu do cảm xúc của các bệnh nhân với phôi thai dư của mình.
Trên các diễn đàn của người làm IVF, hầu hết bác bỏ quan điểm "phôi thai có quyền hợp pháp như trẻ em", nhưng họ cũng không xem phôi thai như tinh trùng hay trứng chưa được thụ tinh. Họ không hài lòng với các lựa chọn truyền thống khi xử lý phôi thừa.
"Không ai muốn phôi - đứa con sắp thành hình của mình bị xả xuống bồn cầu", một phụ nữ từng chia sẻ trong một nghiên cứu năm 2006 về chủ đề này.
Những người khác được phỏng vấn cho biết không tin tưởng vào việc hiến tặng phôi thai cho khoa học vì lo sợ bằng cách nào đó phôi sẽ được phát triển thành trẻ em. Việc tặng chúng cho các cặp vợ chồng vô sinh cũng khiến một số bệnh nhân lo lắng về số phận cuối cùng của phôi thai.
Đó là lý do tại sao nhiều người trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng và chấp nhận trả tiền để lưu trữ chúng, với mức giá dao động từ 400 USD đến 1.200 USD mỗi năm. Hiện nay, có tới 1,5 triệu hoặc hơn phôi thai được bảo quản tại Mỹ, trong đó khoảng 40% không được sử dụng để sinh sản.
Nhiều người mong muốn có một cách từ bỏ phôi mà vẫn thể hiện được ý nghĩa và sự trân trọng dành cho chúng. Một số tự tạo ra những nghi thức tạm biệt khi tiêu hủy phôi, chẳng hạn đọc lời cầu nguyện, ban phước lành cho phôi hoặc xin mang phôi về để chôn cất.
Chuyển phôi nhân đạo cũng mang mục đích tương tự. "Điểm quan trọng nhất của phương pháp này là nghi thức", Megan Allyse, phó giáo sư đạo đức y sinh tại Mayo Clinic, Florida, nói. Khi bệnh nhân IVF trải qua quá trình này, tuân theo nhiều bước như chuyển phôi truyền thống, họ có thể cảm thấy "đang nói lời tạm biệt với phôi thai này. Phôi thai đang quay trở lại cơ thể tôi, nơi nó đến".
Chi phí cho phương pháp này vẫn thấp hơn so với việc lưu trữ phôi trong nhiều năm. Hơn nữa, rủi ro của thủ thuật này rất nhỏ, đặc biệt khi so sánh với căng thẳng tâm lý mà bệnh nhân phải chịu.
Sigal Klipstein, một bác sĩ sinh sản ở Illinois kể về một cặp vợ chồng làm IVF đã cố gắng tạo ra đúng số lượng phôi cần thiết để có được gia đình lý tưởng với ba đứa con. Kế hoạch gần như hoàn hảo với hai con và còn lại một phôi cuối cùng. Nhưng trước khi kịp chuyển phôi này, họ bất ngờ mang thai tự nhiên. Vì không muốn có thêm đứa con thứ tư, sau nhiều cân nhắc, họ quyết định chuyển phôi nhân đạo.
Không lâu sau khi thực hiện thủ thuật, Klipstein tình cờ gặp lại cặp vợ chồng này trong một cửa hàng đồ chơi. Họ trông "vừa buồn vừa hạnh phúc", đi dạo qua các gian hàng, chọn mua quà cho con. "Tôi hiểu họ chọn cách xoa dịu đứa con mà họ từ bỏ, bằng cách trân trọng những đứa trẻ họ đang có", bà nói.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)