Chiều 28 Tết, chị Linh và chồng bắt đầu ho khan, sốt nhẹ. Đến đêm, cơn ho trở nên dữ dội, khiến chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng. "Tôi phải tựa lưng vào tường, thức trắng vì tức ngực, khó thở, ho đến quặn bụng", chị kể lại.
Trong suốt kỳ nghỉ Tết, nữ nhân viên văn phòng đã thử mọi cách từ mật ong ngâm quất, nước lê chưng đường phèn đến thuốc ngậm ho, nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.
"Đây là đợt ốm dai dẳng nhất tôi từng trải qua, thực sự kinh hoàng", người phụ nữ ở quận Hai Bà Trưng, chia sẻ.
Chồng chị, anh Nam, cũng không khá hơn. Anh gần như không uống rượu suốt 9 ngày nghỉ lễ vì đau họng. "Chỉ cần nhấp một ngụm rượu, cổ họng tôi như bị lửa đốt", anh nói. Đến chiều mồng 3 Tết, hai con nhỏ của anh chị cũng bắt đầu ho và sốt.
Mùng 6 Tết, người phụ nữ quyết định ra hiệu thuốc nhờ dược sĩ kê đơn. Chị mua đủ loại thuốc từ kháng sinh, thuốc ngậm ho, nước muối đến Tamiflu – loại thuốc được quảng cáo là "đặc trị cúm". Tuy nhiên, đến nay tình trạng của gia đình vẫn không cải thiện.
Câu chuyện của gia đình chị Linh không phải là trường hợp cá biệt. Theo thống kê của các bệnh viện lớn tại Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm tại các tỉnh phía Bắc tăng gấp 4-6 lần so với tháng 12. Điều đáng lo ngại là xu hướng tự chẩn đoán và điều trị tại nhà đang gia tăng đáng kể.
Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho trẻ có biểu hiện ho, sốt, cảm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết cúm là bệnh thường gặp, có thể tự khỏi trong vài ngày mà không cần dùng thuốc. Trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., cần đến bệnh viện theo dõi kỹ, không tự điều trị tại nhà hay tự dùng thuốc.
"Việc tự ý dùng thuốc hoặc phối hợp các thuốc khác nhau mà không nắm rõ thành phần rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm", bác sĩ nói.
Đặc biệt, Tamiflu hay Oseltamivir là thuốc được chỉ định cho những trường hợp cúm nặng, nguy kịch hoặc những bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển nặng như trẻ dưới hai tuổi, người già trên 65 tuổi, bệnh nhân hen suyễn, tim mạch, suy giảm miễn dịch...
Lạm dụng Tamiflu sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị khi bệnh nhân tiến triển nặng. Trường hợp không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết.
Một sai lầm phổ biến khác là lạm dụng kháng sinh để trị cúm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh rằng kháng sinh không có tác dụng diệt virus – nguyên nhân chính gây cúm. "Nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng dùng kháng sinh sẽ giúp bệnh nhanh khỏi, nhưng thực tế, điều này không chỉ vô ích mà còn gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh", ông nói.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị cúm không chỉ không hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Tại Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh đã lên đến 35% trong năm 2023, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (25%).
Ngoài ra, việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi chưa đến 38,5 độ C để "phòng co giật" cũng là một sai lầm nghiêm trọng. "Điều trị cho trẻ phải đúng mức, đúng bệnh mới đạt hiệu quả", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Bên cạnh đó, không có bất kỳ thuốc nào có thể tăng miễn dịch ngay lập tức hay uống vào có thể chữa dứt điểm triệu chứng bệnh. Việc người dân đổ xô mua thuốc tăng đề kháng vừa không hiệu quả, vừa gây tốn kém, đôi khi phản tác dụng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo người bệnh cần tỉnh táo và cẩn trọng khi uống bất kỳ loại thuốc nào. Nếu chỉ có triệu chứng nhẹ như đau đầu, tiêu chảy, cảm cúm do giao mùa..., mọi người không nên quá sốt sắng tìm mua thuốc hay tích trữ thuốc, sử dụng thuốc. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hay thuốc kê đơn dẫn đến "tiền mất, tật mang".
Tamiflu là thuốc điều trị cúm song cần được kê đơn, không tùy ý sử dụng. Ảnh:
Các chuyên gia khuyến cáo, ai cũng có nguy cơ mắc cúm, kể cả người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên lơ là, chủ quan song cũng không nên lo lắng quá mức.
Bộ Y tế khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản... cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị. Trong thời tiết lạnh, mọi người cần tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng nên đi khám, như sau:
Ở trẻ em
- Thở nhanh hoặc khó thở, môi hoặc mặt tím tái, xương sườn co rút với mỗi nhịp thở, đau ngực, đau cơ nghiêm trọng đến mức trẻ không chịu đi lại.
- Trẻ có thể mất nước, dấu hiệu là không đi tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc.
- Trẻ không tỉnh táo hoặc không tương tác khi thức, co giật, sốt trên 40 độ C không hạ được bằng thuốc hạ sốt.
- Trẻ dưới 12 tuần tuổi bớt sốt bớt ho nhưng sau đó tái phát hoặc nặng hơn, bệnh mạn tính trở nên trầm trọng hơn.
Ở người lớn
Những dấu hiệu cúm nặng gồm khó thở hoặc thở ngắn, đau, tức ngực hoặc bụng dai dẳng, chóng mặt kéo dài, lú lẫn, không thể đánh thức, co giật, không đi tiểu. Người bệnh cũng có thể đau cơ, suy yếu nghiêm trọng hoặc cơ thể không vững. Cũng như trẻ em, người lớn bệnh nặng có thể bớt sốt hoặc ho sau đó tái phát nặng hơn, các bệnh mạn tính trở nên trầm trọng.
Thùy An