Satsuki, 30 tuổi, là đồng tính nữ nhưng gia đình không biết. Mẹ cô liên tục giục lấy chồng. Còn Minato thuộc tuýp người thích độc thân trong khi bố anh liên tục thể hiện mong ước "có cháu nội".
Năm 2019, họ gặp nhau qua một diễn đàn dành cho người tìm "hôn nhân tình bạn". Hai người dọn về ở cùng và ra mắt gia đình hai bên, đăng ký kết hôn vào tháng 11/2021. Hai năm sau, Satsuki sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Satsuki và Minato là một trong số ngày càng nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản chọn "hôn nhân tình bạn". Họ sống chung vì lợi ích của mỗi người, đôi khi chấp nhận ngược với xu hướng tính dục của mình.

Satsuki và Minato. Ảnh: Kyodo News
Colorus Friendship Marriage, công ty mai mối trụ sở ở Tokyo, đã kết nối 316 cặp theo hình thức "hôn nhân bạn bè" trong 10 năm qua. Nhiều người chọn kết hôn dù không có cảm xúc hay ham muốn tình dục. Cả hai vẫn sinh hoạt như một gia đình, gặp gỡ bạn bè.
Satsuki xem chồng như "người anh họ" còn Minato nghĩ vợ mình là "chiến hữu ở cùng". Gia đình hai bên không biết bản chất mối quan hệ này.
Bà Arisa Nakamura, 40 tuổi, giám đốc Colorus Friendship Marriage, nhận thấy trong "hôn nhân bạn bè", khoảng 80% nam giới có xu hướng đồng tình còn hơn 90% nữ không có ham muốn tình dục. Lý do để bước vào hôn nhân bạn bè thường là muốn có bạn đời hoặc làm cha mẹ yên lòng.
"Chúng tôi cung cấp lựa chọn cho những người không thể yêu hay quan hệ tình dục với người khác giới", bà nói.
Theo Colorus, khoảng 80% các cặp đôi tham gia hôn nhân bạn bè được báo cáo là sống hạnh phúc nhờ các thảo luận chi tiết trước hôn nhân về các vấn đề như chi phí, công việc nhà, và sở thích cá nhân.
Giáo sư Hiroyuki Kubota, chuyên gia xã hội học gia đình tại Đại học Nihon, nhận định dù các giá trị đa dạng đang lan rộng, quan niệm truyền thống rằng nam nữ nên kết hôn và sinh con vẫn chiếm ưu thế do hôn nhân đồng giới chưa được công nhận.
Ông gọi "hôn nhân bạn bè" là biện pháp tuyệt vọng trong bối cảnh đó kèm theo lợi ích thực tế từ phúc lợi xã hội. Nhiều cặp dần gắn bó và cùng nuôi dạy con như những bạn đời thực tế.
Khảo sát năm 2024 của Hiệp hội Kế hoạch Gia đình Nhật Bản cho thấy hơn 60% đang sống trong các cuộc hôn nhân không quan hệ tình dục (ít hơn một lần mỗi tháng) và tỷ lệ này đang tăng. "Khi sự lãng mạn phai nhạt, nhiều người chuyển sang đối diện với thực tế", ông Kubota nói.
Tỷ lệ kết hôn ở Nhật giảm mạnh từ 10 cuộc trên 1.000 dân năm 1970 còn 4,1 vào năm 2022, theo báo cáo dân số.
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023, theo Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi. Trong bối cảnh này, hôn nhân bạn bè được xem là một giải pháp tiềm năng để tăng sinh, khi nhiều cặp chọn hình thức này để xây dựng gia đình không dựa trên tình yêu hay tình dục.
Ngọc Ngân (Theo Kyodo News)