Với các phụ huynh trẻ tuổi, vừa có con đầu lòng, việc tắm cho bé sơ sinh là việc thường xuyên gây ra sự lúng túng. Ở nhiều gia đình, việc này thường được giao cho ông bà, bảo mẫu, hộ sinh… Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nhiệm vụ bố mẹ cần học khi không có người hỗ trợ.

Những việc nên và không nên

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tuyền, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc tắm cho trẻ sẽ giúp cơ thể các bé sạch sẽ, loại bỏ những bụi bẩn là tác nhân gây nhiễm trùng da.

Thói quen đơn giản này cũng khiến trẻ dễ chịu hơn, cơ thể nhanh tuần hoàn máu nuôi dưỡng da, loại trừ mệt mỏi, quấy khóc, nâng cao sức đề kháng.

“Tắm cho con cũng là dịp để bố mẹ kiểm tra toàn diện về da của trẻ xem có hiện tượng khác lạ nào hay không. Rất nhiều bệnh truyền nhiễm được biểu hiện ra bằng các nốt mẩn mụn nổi trên da”, BS Tuyền nói thêm.

Vị chuyên gia cũng khẳng định việc trực tiếp tắm cho con sẽ giúp bố mẹ gắn kết tình cảm với bé hơn.

lubomirkin_.jpg

Tắm giúp trẻ thoải mái, bớt quấy khóc hơn. Ảnh minh họa: lubomirkin.

Dẫu vậy, phụ huynh vẫn cần lưu ý một số điều khi tắm cho con do trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài.

Cụ thể, BS Tuyền lưu ý bố mẹ nên nói chuyện và chơi với trẻ trong quá trình tắm. Mặt khác, chúng ta nên sử dụng bồn tắm chuyên biệt dùng cho trẻ nhằm đảm bảo an toàn.

“Phụ huynh cũng có thể rủ người thân như anh, chị, ông, bà tham gia cùng để bé vui vẻ hơn. Bên cạnh đó, chúng ta phải luôn đảm bảo quấn khăn, giữ ấm cho trẻ trước và sau khi tắm”, vị chuyên gia nói.

Ngoài ra, BS Tuyền nhấn mạnh một số hành động cần tránh trong khi tắm cho trẻ bao gồm: Chà xát da của trẻ quá mạnh tay; để trẻ một mình trong chậu tắm; dùng nước quá nóng; dùng quá nhiều sữa tắm, dầu gội; làm việc khác khi đang cho trẻ tắm như nghe điện thoại, dùng máy tính…

Bác sĩ cũng lưu ý cần tuyệt đối tránh tắm cho trẻ khi các bé vừa bú mẹ xong, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa của con.

Một số vấn đề khác cha mẹ cũng cần chú ý khi tắm cho con là:

  • Luôn kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cùi chỏ hoặc mặt trong của cổ tay trước khi tắm
  • Đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ở mức trên 27 độ C
  • Nhiệt độ nước tắm cho trẻ trên 38 độ C
  • Mức nước tắm trong chậu chỉ vừa tầm vai trẻ (khoảng 5-10 cm).

Các bước tắm cho trẻ sơ sinh

BS Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết trước khi tắm cho con, phụ huynh cần chuẩn bị sẵn các vật dụng bao gồm: 2 chậu tắm, 2 khăn xô nhỏ, một khăn lớn, sữa tắm và dầu gội cho trẻ sơ sinh, quần áo của trẻ, nước ấm khoảng 38 độ C, quần áo, tất, găng tay của con, tăm bông, dầu tràm và nước muối sinh lý.

Để bắt đầu tắm, chúng ta cần đặt bé lên một mặt phẳng, cởi bỏ quần áo trẻ và nhẹ nhàng bế con tới vị trí đặt chậu tắm.

“Tay trái đỡ gáy bé, tay phải nhúng ướt khăn, vắt khăn sau đó lau sạch mặt cho con, nhất là vùng mắt và 2 lỗ tai”, vị chuyên gia mô tả.

khoa_pham.jpg

Việc tắm cho trẻ cần sự khéo léo và tình cảm từ bố mẹ. Ảnh minh họa: khoa_pham.

Sau đó, phụ huynh tiếp tục làm ướt tóc cho trẻ, xoa đều dầu gội lên đầu và dùng khăn rửa sạch dầu gội ở bước tiếp theo.

Khi đã sạch dầu gội, cha mẹ có thể từ từ thả con vào chậu tắm. Tuy nhiên, cần lưu ý tay trái vẫn đỡ phần cổ của bé.

Làm ướt phần mình của trẻ, xoa sữa tắm khắp người con nhưng cần tránh chạm vào vùng rốn.

“Sau khi thoa đều sữa tắm, lúc này, chúng ta có thể nhấc bé lên và chuyển vào chậu nước sạch thứ 2 để sẵn, vệ sinh sạch các bộ phận của trẻ một lần nữa” , BS Tuyền hướng dẫn.

Hoàn thành, phụ huynh cần bế bé ra ngoài và đặt con lên một chiếc khăn tắm lớn đã trải trước.

BS Tuyền nhấn mạnh việc chăm sóc trẻ sơ sinh sau khi tắm cũng rất quan trọng. Phụ huynh cần quấn bé vào khăn, thấm khô từ đầu tới chân, gồm cả cơ quan sinh dục của con.

Sau đó, bố mẹ tiếp tục dùng tăm bông lau khô vành tai cho con, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào tăm bông để vệ sinh cuống rốn cũng như xung quanh rốn.

Tiếp theo, chúng ta cần mặc tã cho bé, tránh để tã cọ vào rốn. Cuối cùng, mặc quần áo, xoa ít dầu tràm vào 2 bàn tay rồi chà vào người bé ở lồng ngực, lưng, lòng bàn tay, bàn chân.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022