"Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha", chị Nguyễn Thị Thúy Cẩm vừa nói vừa run run xoa đầu cậu con trai duy nhất đang nằm liệt giường vì biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản.

Năm nào cậu bé Nguyễn Quốc Minh, 12 tuổi, cũng mong có chiếc bánh kem trong ngày sinh nhật. Cũng từng đó năm, cậu chưa một lần được bố mừng tuổi mới, bởi ông bỏ đi đã lâu.

Với Minh, sinh nhật đồng nghĩa trong bữa ăn chỉ có thêm thịt gà chiên - thứ mà người mẹ có thể mua được giá rẻ khi sắp tan chợ chiều.

anh-Minh-1-3911-1733560760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NUkBqt9NiqhUXmClQrml5g

Từ ngày Quốc Minh đổ bệnh, người mẹ luôn túc trực bên con 24/24h. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ba tháng trước, Nguyễn Quốc Minh ở ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai liên tục sốt cao không hạ. Khi được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cơ thể cậu bé đã tím tái rồi đột ngột ngưng thở. Sau 30 phút hồi sức tích cực, Minh được cứu sống.

Cũng từ ngày đó, cuộc sống của cậu bé 12 tuổi gắn liền với giường bệnh, liệt tứ chi và không thể nói năng. Sau nhiều lần chọc tủy xét nghiệm, bác sĩ kết luận, Quốc Minh bị viêm não Nhật Bản.

"Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: rối loạn tâm thần, liệt, co giật, động kinh, nằm liệt giường,... ở một nửa số người sống sót", giải thích của bác sĩ cùng khuyến cáo "gia đình nên chuẩn bị tinh thần xấu nhất" khiến người mẹ chết lặng.

Hai tháng đầu nằm viện, sự sống của Quốc Minh phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Thời gian con trai hôn mê, ngày nào chị Cẩm cũng ngồi bên giường bệnh, liên tục gọi con. Người phụ nữ này sợ, "nếu Minh không nghe thấy tiếng mẹ, sẽ không biết đường trở về".

Sau 10 ngày sống thực vật, cậu bé dần tỉnh lại với đôi mắt mở hé, lờ đờ. Người mẹ lúc này lại kể chuyện về người thân, thầy cô, bạn bè luôn mong ngóng ngày con trai về nhà, đến lớp.

"Rơi nước mắt mỗi lần nghe tôi nói chuyện là cách duy nhất Minh có thể giao tiếp với thế giới khi đó", chị Cẩm kể. Đây cũng là khoảng thời gian người mẹ sống trong những khoảnh khắc "lo sợ đến nghẹt thở".

Hơn hai tháng nằm phòng cấp cứu, Minh hai lần được bác sĩ chỉ định cai máy thở để tránh nguy cơ tổn thương phổi, nhiễm trùng bệnh viện... nhưng đều thất bại.

Lần nào khi máy được tháo ra, cậu bé chỉ tự thở được một lúc rồi mặt mày tím tái, bắt buộc phải đặt lại. Bác sĩ thông báo với gia đình, nếu lần cai thứ ba không thành công, sẽ phải phẫu thuật mở khí quản vĩnh viễn. Điều này đồng nghĩa với việc Minh sẽ không thể ra khỏi giường bệnh, phải sống với máy thở suốt đời.

"Lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện và xin con hãy cố gắng tập thở để được về bên gia đình", chị Cẩm kể. Bà mẹ đơn thân thường xuyên kể cho con về giấc mơ mỗi ngày, khi Minh có thể bước đi, có thể nói chuyện, dang tay từ xa gọi mẹ rồi chạy về phía mình. "Giá như mẹ có thể gánh bệnh thay, con còn nhỏ quá", nước mắt người phụ nữ này cứ thế chảy xuống, ướt đẫm đôi tay chi chít vết châm chích bởi những đợt truyền thuốc của con trai.

Lần cai máy thở cuối cùng, ba ngày chị Cẩm thức trắng. Người mẹ kề cận bên con không rời, hướng dẫn cậu bé cách lấy hơi, cách thở bằng đường miệng, đường mũi. Mỗi lần Minh khó chịu, cùng với sự trợ giúp của bác sĩ, chị học cách vỗ lưng, vỗ đờm rồi liên tục động viên "hãy cố gắng vì mẹ, vì ngoại". Như hiểu được lòng mẹ, sang ngày thứ tư, Minh tự thở mà không cần sự can thiệp của máy móc.

Ngày bác sĩ thông báo bệnh tình con trai tiến triển tốt, người mẹ 33 tuổi nghẹn ngào: "Tôi như được sống thêm lần nữa".

Sau ba tháng nằm viện, sức khỏe Minh dần tốt lên, dù chưa thể đi lại và cũng không thể nói chuyện. Giữa tháng 11, cậu xuất viện và được đưa đến Kiên Giang vật lý trị liệu tại một cơ sở nhân đạo, chuyên điều trị bệnh cho người nghèo.

Giờ mỗi lần tập luyện, Minh đã biết kêu khóc khi đau đớn, biết nhăn mặt lúc uống thuốc đắng - những biểu hiện mà chị Cẩm nói "trông đợi biết bao tháng ngày".

Để động viên, người mẹ thường ghé tai con thủ thỉ vì mọi người mà hãy cố gắng. Dù Minh sau đó nghe lời, kiên trì tập luyện, nhưng bản thân chị Cẩm không biết kinh tế gia đình còn đủ sức gắng gượng thêm bao lâu trong hành trình chữa bệnh lâu dài cho con trai.

Từ ngày Quốc Minh phát bệnh, người mẹ phải nghỉ làm công nhân - nguồn thu nhập ổn định duy nhất của gia đình bốn người vốn chỉ sống dựa vào đồng lúa. Cuộc sống vốn chật vật giờ lại thêm lo toan, khó khăn về bệnh tình và kinh phí điều trị. Để cứu Minh, những gì giá trị nhất trong nhà đã bán hết, còn lại phải vay mượn ngân hàng, bạn bè, người thân. Đến giờ, nguồn tiền cũng sắp cạn.

"Nhiều lúc tôi thấy số phận thật bất công, nhưng tôi biết Minh vẫn đang cố gắng để điều trị bệnh dù hiện tại chưa ngồi dậy hay đi đứng được", chị Cẩm nói và cho hay, giờ ông bà ngoại già yếu cùng người cậu vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày, mong kiếm chút tiền góp kinh phí chữa bệnh cho cháu.

Ước mơ duy nhất của gia đình này là thấy Quốc Minh khỏe mạnh, để cùng mọi người thổi nến vào ngày cậu bé đón chào tuổi mới, cuối tháng 12. Đây là khao khát bao năm của Minh, vì hoàn cảnh nghèo khó vẫn chưa thể thực hiện.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trìnhtại đây.

Hải Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022