Đó cũng là khởi đầu của 56 năm trong cuộc đời lưu lạc của ông Phúc. Mãi đến cuối tháng 12/2024, người đàn ông 58 tuổi ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk mới tìm lại được người thân ruột thịt đầu tiên, người em trai song sinh với mình đang sống ở Phan Rang, Ninh Thuận.

"Không thể tưởng tượng có người giống mình đến vậy cho đến khi tôi xem video do một người hàng xóm gửi cho", ông Phúc nói. Ông bố 6 con lập cập liên hệ với chủ kênh, nhờ kết nối với người trong video clip.

Đối chiếu thông tin, cả hai sau đó xác nhận là anh em ruột. Câu chuyện cuộc đời họ lúc này mới dần dần hé mở.

anh-em-1-2-1737043246-2167-1737047318.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-wSZCZT1Zkz-NI4WCH4MMA

Ông Hoàng Văn Phúc (tên cũ là Nguyễn Chân) bên trái cùng người em song sinh Nguyễn Chận trong ngày đoàn tụ, tháng 1/2025. Ảnh: Tuấn Vỹ- Kết nối yêu thương

Năm 1966, một cặp vợ chồng sống tại Phan Rang, Ninh Thuận đón cặp sinh đôi, đặt tên lần lượt là Nguyễn Chân và Nguyễn Chận. Quanh năm làm thuê cuốc mướn, cơm không đủ no nên họ gửi đứa lớn vào cô nhi viện.

Thời điểm bị chia cắt, cặp song sinh vừa tròn hai tuổi.

Đất nước thống nhất, cô nhi viện nơi đang nuôi Nguyễn Chân bị giải thể. Cậu bé được chuyển tới một cô nhi viện khác cách chỗ cũ hơn trăm km. Nhớ bà sơ từng nuôi nấng mình từ bé nên Chân tìm cách bỏ trốn. Giữa năm 1977, cậu rủ thêm một người bạn, nửa đêm trèo tường rời cô nhi viện. "Mục đích của tôi là về Phan Rang thăm sơ và hỏi tin tức về bố mẹ đẻ", Chân kể.

Nhưng ngay khi gặp bà sơ, cậu bé lại lập tức được cho làm con nuôi một gia đình gần đó. Tiếng là con nuôi nhưng cậu bé không được đi học, hàng ngày phải chăn bò, cắt cỏ.

Sống ba năm tại nhà cha mẹ nuôi, thấy Chân chỉ bị lợi dụng, bà sơ lại xin gửi cậu vào một gia đình khá giả tại Đắk Lắk, hy vọng tương lai đỡ khổ hơn. Năm 15 tuổi, Chân đặt chân đến gia đình mới với công việc chủ yếu là khoan giếng, trồng cà phê.

Tại gia đình này, Nguyễn Chân được đổi tên thành Hoàng Văn Phúc.

Phúc được bố mẹ nuôi đối xử tử tế cho đến một lần họ mất tiền. Người đầu tiên bị nghi ngờ là cậu.

Bị đánh mắng rồi tra khảo, Phúc mang theo uất ức bỏ nhà đi, xin ở nhờ nhà bạn bè. Cũng chính lần bị nghi oan này, khao khát tìm lại người thân ruột thịt bỗng trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm trí cậu bé.

"Nếu là con đẻ, bố mẹ có nghi ngờ mình lấy cắp tiền không?", Phúc đặt câu hỏi. Rồi cậu nhận ra, dù cố gắng thế nào vẫn bị coi là người ngoài, không đáng tin cậy. "Một đứa không gia đình, mất gốc gác mãi sẽ bị coi thường như vậy", cậu bé nghĩ.

Thời điểm này Phúc có ý định trở lại Phan Rang tìm bố mẹ ruột nhưng không có tiền nên đành bỏ cuộc. Gần nửa tháng sau, bố mẹ nuôi tìm thấy số tiền và nhận ra đứa con nuôi bị đổ tiếng oan nên ân hận tìm Phúc về.

Bạn bè khuyên cậu đừng về, nên rời bỏ gia đình nuôi nhưng cậu không nghe. "Tôi không muốn cả đời lang bạt, không người thân. Sơ cũng từng dạy, phải biết ơn những người đã bao bọc lúc mình khó khăn", Phúc nói.

Trở về nhà cha mẹ nuôi, chàng trai làm thêm nhiều việc cùng lúc, gom góp tiền với dự định nhất định sẽ quay lại Phan Rang tìm cha mẹ đẻ. Nhưng chiến tranh loạn lạc, giấy tờ thất lạc, bà sơ không nhớ bố mẹ cậu đến từ đâu, tên tuổi gì. Phúc cũng dò hỏi nhiều nơi về trường hợp của mình, cố tìm thêm manh mối nhưng không có kết quả.

Năm 24 tuổi, Phúc kết hôn. Cuộc sống nghèo khó, chạy ăn từng bữa nuôi 6 đứa con buộc người đàn ông tạm gác giấc mơ tìm gia đình. Dù vậy Phúc tự hứa với bản thân, khi đủ điều kiện kinh tế sẽ tiếp tục tìm kiếm.

Nhiều năm trước, bà sơ - người duy nhất có thể tìm lại thông tin về gia đình cho Phúc - qua đời vì tuổi cao. Việc tìm kiếm của người đàn ông này rơi vào ngõ cụt dù giờ kinh tế ông đã khá hơn trước nhiều, không còn làm thuê mà trở thành chủ vườn cà phê, sầu riêng rộng vài hecta.

Sống cách ông Phúc hơn 200 km, tại Phan Rang, Ninh Thuận, ông Nguyễn Chận biết mình có một người anh trai song sinh qua lời kể của người mẹ.

Nghèo đói bủa vây, dưới ông Chận còn một em trai nữa nhưng vì túng quẫn ba mẹ cũng đem cho, đến nay không rõ tung tích. Vài năm trước hai chị gái cũng lần lượt qua đời vì bệnh tật khiến ông luôn thấy cô quạnh.

"Bố mẹ anh chị em giờ chẳng còn ai, Tết nhất lại thêm buồn tủi", người đàn ông quanh năm làm thuê cuốc mướn chia sẻ.

Hồi ông Chận còn nhỏ, ba mẹ từng dắt díu nhau tới Long Khánh, Đồng Nai làm thuê nhưng người cha bất ngờ đổ bệnh rồi mất. Không có tiền đưa về quê mai táng, người vợ đành chôn chồng gần nơi làm. Sau này khu vực đó bị giải tỏa, đến nay chưa tìm thấy mộ.

Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, người mẹ chỉ mong tìm lại hai đứa con cùng ngôi mộ của chồng. Thương mẹ nhưng ông Chận không biết làm gì hơn bởi bản thân mù chữ, không thuộc đường đi lối lại do ít có cơ hội đi xa.

Biết tới câu chuyện của ông, gần đây người hàng xóm tên Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1952) đăng ký tìm người thân giúp. "Đứa em út khó tìm vì không nhớ tên tuổi nhưng người anh song sinh hình thức chắc chắn giống cháu, lại từng ở lâu trong cô nhi viện nên có thể tìm ra", bà Mai bàn với ông Chận.

Cuối tháng 12/2024, câu chuyện của ông Nguyễn Chận với sự giúp sức của hàng xóm được đăng tải. Sau một ngày, họ nhận được tin về người đàn ông tên Phúc đang sống ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk rất có thể là người đang tìm kiếm.

"Quá bất ngờ, tay tôi run bắn lên khi nghe thông báo, điện thoại cũng suýt rơi khỏi tay", ông Chận kể lại. Kết nối các dữ liệu và thông tin, thấy trùng khớp 90%.

Buổi gặp gỡ đầu tiên của cặp song sinh qua điện thoại được sắp xếp ngay sau đó. Hai anh em phát hiện ăn ý trong lối nói chuyện, chung sở thích ăn uống và có trải nghiệm bị đau đầu, sổ mũi giống hệt nhau.

Đầu tháng 1/2025, ông Phúc cùng người thân vượt hơn 200 km từ Đắk Lắk trở về quê nhà. Trong ngày đoàn tụ, cặp song sinh cùng đến bên mộ mẹ - người qua đời 7 năm trước - để báo tin về đứa con trai gửi tại cô nhi viện năm nào nay đã trở về.

Cả hai cùng hứa, sẽ tiếp tục tìm kiếm cậu em út, hoàn thành thêm một tâm nguyện trước khi người mẹ qua đời.

"Không phải ai cũng gặp cái kết có hậu khi tìm người thân, nhưng ít nhất hãy thử khi còn cơ hội", ông Phúc nói.

Hải Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022