Bố cô có con lần đầu khi đã ngoài 50 tuổi. Yi Ling dễ dàng nhận thấy mình rất khác biệt so với bạn bè có cha mẹ trẻ hơn. "Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ vẫn chơi đùa với tôi", nhà thiết kế thời trang 33 tuổi, nói. "Nhưng lên trung học, họ hiếm khi đi cùng tôi, hoặc chỉ đến chợ".
Năm Yi 12 tuổi, bố cô bị đột quỵ phải nghỉ hưu nhưng vẫn cố gắng làm việc.
Yi giờ là bà mẹ hai con 9 và hai tuổi vẫn tủi thân khi bạn bè được bố mẹ giúp trông cháu, còn cô thì không thể. Con cô chưa từng gặp ông ngoại, người mất trước khi chúng ra đời. Mẹ cô 80 tuổi, từng chăm cháu nhưng giờ không còn đủ sức.
Tình cảnh như của gia đình Yi Ling ngày càng nhiều ở Singapore. Tháng trước, Glenda Chong, 51 tuổi, thông báo trên mạng xã hội vợ chồng cô sắp đón con đầu lòng sau một thập kỷ theo đuổi phương pháp IVF.
"Tôi chỉ biết giữ gìn sức khỏe để có thể ở bên con càng lâu càng tốt", cô nói. Bên cạnh những lời chúc mừng, câu chuyện cũng làm dấy lên tranh luận về việc làm cha mẹ muộn.
Báo cáo của chính phủ Singapore cho thấy ngày càng nhiều phụ nữ trì hoãn sinh con cùng với các trường hợp nhờ hỗ trợ IVF. Độ tuổi trung vị của phụ nữ sinh con đầu lòng tăng từ 30,2 tuổi năm 2013 lên 31,4 tuổi năm 2023.
Dữ liệu từ Cục Quản lý xuất nhập Singapore cũng ghi nhận số phụ nữ trên 45 tuổi sinh con ngày càng nhiều, từ 54 người năm 2014 lên 84 vào năm 2019 và 117 vào năm ngoái.
Bố mẹ lớn tuổi nuôi con nhỏ luôn đi kèm với thách thức. Họ lo lắng về sức khỏe suy giảm theo tuổi tác và nguy cơ không thể chứng kiến những cột mốc quan trọng của con.

Gia đình của Michelle Bong Lejtenyi. Ảnh: CNA
Michelle Bong Lejtenyi, 50 tuổi, cảm thấy mệt mỏi khi đuổi theo con trai James, 5 tuổi. Cậu bé liên tục chạy nhảy và hét lên quanh nhà trong khi lưng cô rất đau.
Michelle sinh con đầu lòng khi 45 tuổi và con thứ hai hiện 17 tháng tuổi. Tương tự, cô Liu Ling Ling, 61 tuổi, vẫn nhớ lần chân mình đột ngột khuỵu xuống khi bế con trai quá lâu.
Tài chính là yếu tố quan trọng với các phụ huynh lớn tuổi, khi họ cố gắng tiết kiệm đủ tiền để hỗ trợ con cái và nhu cầu tuổi già của chính mình. Vì bố mẹ họ cũng lớn tuổi, họ ít có người thân để nhờ cậy.
Ngược lại, con của các cặp vợ chồng lớn tuổi cũng phải mang áp lực việc chăm sóc và chuẩn bị tài chính trong khi bản thân vẫn đang học hoặc mới bắt đầu sự nghiệp.
Khoảng cách thế hệ và sở thích khác biệt cũng là vấn đề. Megan, 24 tuổi, là con một, cho biết việc có bố mẹ gần 70 tuổi khiến cô áp lực hơn bạn bè đồng lứa. "Bạn bè tôi thường đi du lịch hoặc làm việc ở nước ngoài nhưng tôi phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ", cô nói. Đồng thời, cô cũng luôn lo lắng bố mẹ mình sẽ xảy ra vấn đề sức khỏe, nếu cô không ở bên.
"Tôi không thể sống hết mình cho những năm của tuổi 20", cô nói.
Bà Ng Siau Hwei, trưởng khoa tâm lý học tại Viện Y học Trẻ em Khoo Teck Puat, lưu ý rằng trẻ em hiểu về cái chết khác nhau ở các độ tuổi. Do đó, bố mẹ cần lưu ý mức độ hiểu biết của con trước khi đề cập đến chủ đề này. Khi cần, phụ huynh nên thống nhất về cách nói chuyện và trấn an con rằng chúng sẽ luôn được chăm sóc.
"Dù việc làm bố mẹ muộn có thể khó khăn nhưng không phải lúc nào cũng u ám", bà Sanaa Lundgren, giám đốc trung tâm trị liệu Incontact Counselling and Training, nói.
Phụ huynh lớn tuổi thường có động lực hơn bởi họ không coi thụ thai là điều hiển nhiên. Họ cũng có thời gian hoàn thành mục tiêu cá nhân trước khi trở thành bố mẹ.
"Nuôi dạy một đứa trẻ là thử thách với bất kỳ bố mẹ nào, nhưng đó là điều bình thường", bà nói. "Bạn cần học cách thích nghi và phát triển cùng con cái".
Ngọc Ngân (Theo CNA)