Mới đây, cộng đồng mạng truyền tay nhau bức ảnh chụp lại căn phòng của mẹ thu hút nhiều sự chú ý, bàn tán. Bởi những điều bên trong căn phòng khiến nhiều người “phát hoảng” nhưng lại cũng rất quen thuộc, có thể bắt gặp trong nhiều gia đình.
Theo đó, chủ nhân của bức ảnh đăng tải trong một hội nhóm và cho biết: “Phòng u em. Em không biết u có sao không nhưng mà em khuyên bảo mãi không chịu ngăn nắp. Em dọn cho mãi rồi nhưng đâu lại vào đấy”. Kèm theo đó là hình ảnh một căn phòng với diện tích nhỏ, không gian chật hẹp nhưng lại chất chứa rất nhiều đồ đạc.
Căn phòng khiến nhiều người nhìn vào là thấy cảm giác bí bách bởi không có cửa sổ, xung quanh thì chất cao thành đống nào là túi đựng đồ, chăn màn, quần áo,... Nhìn tổng thể, căn phòng rất lộn xộn, không được sắp xếp ngăn nắp. Thậm chí, nhìn món đồ nào cũng cảm giác như đã rất lâu rồi không được dùng đến, bụi bặm và cũ kỹ.
Bức ảnh khiến nhiều người bàn tán xôn xao (Nguồn: Nghiện sạch)
Không những vậy, chiếc giường còn được xếp vào một góc, lối đi lại chỉ vừa đúng 1 người. Trước giường là dây phơi quần áo, xen lẫn là chiếc dây điện được kéo dài để treo một bóng đèn lủng lẳng. Nhiều người cho rằng, căn phòng này chỉ nhìn thôi cũng đã thấy khó thở và không hiểu tại sao có thể sinh hoạt trong không gian hẹp lại không ngăn nắp như vậy.
Tuy nhiên, netizen cũng cho rằng trên thực tế, đây không phải những căn phòng hiếm gặp, đặc biệt là của người lớn tuổi. Nhiều người bày tỏ, thời bố mẹ vốn đã có thói quen tích trữ, đồ đạc dù đã cũ hay hỏng hóc cũng sẽ giữ lại đến cùng để sửa thay vì bỏ đi và mua mới như người trẻ bây giờ. Do đó cứ lâu ngày tích dần lại, sẽ thành một kho nhưng nếu con cái tự ý bỏ đi sẽ dỗi.
Không những vậy, hội làm con cũng cho hay tâm lý của người lớn tuổi thường muốn có cảm giác an toàn. Tức là, đồ vật nào cần có cũng sẽ ở xung quanh người để không mất thời gian tìm, vẫn có thể nhớ và dễ lấy. Hơn nữa, do không gian diện tích của căn phòng trong bức ảnh trên quá nhỏ nên đôi khi có muốn gọn gàng, sạch sẽ hơn cũng khó.
Một số bình luận của cộng đồng mạng:
- “Cảnh này thật quen thuộc, tôi cũng đã quá quen với căn phòng của bà ngoại. Nhưng người lớn là vậy đó, mình có vào dọn phòng, len lén bỏ bao nhiêu đồ đi rồi vẫn đâu lại hoàn đó”.
- “Phòng nhỏ quá nên có vẻ muốn gọn cũng hơi khó. Chắc phải đóng thêm tủ kệ để xếp đồ nhưng chắc cũng chỉ một thời gian thôi. Đây là thói quen rồi, các cụ hay tiếc lắm, cái gì cũng muốn giữ nên thành ra lại bừa”.
- “Các cụ hay thế lắm. Cái bịch nilon cũng túm túm vào để dành chứ nói gì đồ khác. Xưa bà nội mình còn sống cũng vậy, con cháu dọn cho suốt mà vẫn không thoáng hơn”.
- Bề nổi là đồ đạc chất đống nhưng tâm lý ẩn dưới là rối loạn tích trữ: cảm thấy an toàn hơn khi được bao quanh bởi những thứ mình tích góp được. Nên cách giải quyết (có thể) là tạo chỗ lưu trữ hợp lý và nếu thêm 1 thứ đặt vào thì phải có 1 thứ được bỏ đi”.
- “Tình trạng chung nhỉ. Nên thôi bố mẹ, ông bà vẫn còn vui khỏe là được. Nhìn thấy vậy thì dọn cho các cụ chứ họ quen rồi, khó thay đổi lắm”.
Hải My