Bé gái mắc bệnh tay chân miệng độ nặng, được lọc máu và điều trị hồi sức tích cực. Ảnh: BSCC. |
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết đơn vị này vừa hội chẩn từ xa, hướng dẫn kỹ thuật lọc máu cho các bác sĩ tại Bạc Liêu để cấp cứu cho bé N.P.N. (nữ, 2 tuổi, ngụ Vĩnh Trạch).
Theo thông tin bệnh sử, hai ngày trước, bé N. sốt nhẹ, ăn kém hơn so với ngày thường, khi ngủ có giật mình chới với trong đêm 3 lần.
Ngày trước nhập viện, trẻ vẫn còn sốt nên người nhà đưa đi khám và nhập Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Bé được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 2A.
Tuy nhiên, sau 2 giờ nhập viện, tình trạng của bệnh nhi diễn tiến nặng sang độ 3. Bé giật mình nhiều, mạch nhanh và tăng huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã điều trị đặc hiệu bằng thuốc Immunoglobulin, vận mạch, chống co giật nhưng không cải thiện.
Tình trạng bé càng xấu hơn nên bác sĩ quyết định đặt nội khí quản thở máy. Lúc này, bé vẫn sốt cao liên tục, huyết áp thấp đe dọa tính mạng.
“Các bác sĩ khoa Nhi đã liên lạc với chúng tôi để chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi rất nặng, việc chuyển viện lúc này không an toàn. Do đó, chúng tôi thống nhất hội chẩn từ xa, hướng dẫn cách xử trí và tiến hành kỹ thuật lọc máu cấp cứu cho bệnh nhi”, PGS Phạm Văn Quang chia sẻ.
Lọc máu là phương pháp điều trị hiệu quả góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tay chân miệng nặng, nhưng đây là kỹ thuật khó do trẻ bị tay chân miệng thường nhỏ (nhỏ tuổi và nhẹ cân), tình trạng nặng nên dễ thất bại.
Qua hội chẩn từ xa cùng với khả năng chuyên môn và tâm huyết, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã thực hiện lọc máu thành công, giúp ổn định sinh hiệu và cứu sống bệnh nhi. Sau hơn 14 ngày điều trị, bé gái đã được xuất viện trong sự vui mừng của các bác sĩ 2 bệnh viện.
Cuối tháng 5, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cũng tiếp nhận một bé gái 28 tháng tuổi, bị tay chân miệng độ 4. Thời điểm nhập viện, bé bị phù phổi cấp đe dọa tính. May mắn, nhờ hội chẩn kịp thời với PGS Quang và các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, bé gái được lọc máu qua cơn nguy kịch.
“Qua 2 trường hợp này, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh cần chú ý bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa, đặc biệt có sự xuất hiện của Enterovirus 71 (EV71), tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao”, PGS Quang cảnh báo.
Chuyên gia này lưu ý đối với các bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối kèm giật mình chới với… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị.
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý là: sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt…
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.