taychanmieng.jpg

Cẳng chân chi chít vết hồng ban do tay chân miệng của một bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Linh Thùy,

Giữa trưa, phòng bệnh được dán bảng "cách ly" nằm ở cuối hành lang khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chật kín trẻ.

Thấy người lạ bước vào, một bé trai khóc ré, sau đó, 3-4 trẻ khác cùng òa lên, không khí oi bức trong căn phòng chỉ dùng quạt trần càng thêm nóng.

Được ba bế ra hành lang dỗ dành, bé Hải Đăng (4 tuổi) làm nũng bằng giọng nói ngọng nghịu, trong miệng lốm đốm vết loét.

"Bé đỡ hơn nhiều so với lúc nhập viện. Mấy hôm trước, con thậm chí còn không nói được, chỉ có thể ra dấu cho ba mẹ", chị Thúy (29 tuổi, Tây Ninh, mẹ bé Hải Đăng), chia sẻ.

Đây là lần thứ 2 Hải Đăng phải nhập viện vì tay chân miệng, nhưng trong đợt này, bé có triệu chứng khác lạ, ồ ạt và suýt ảnh hưởng đến não.

Loét nhiều ở miệng, sốt cao bất thường

Chị Thúy kể ngày 3/6, bé Đăng bắt đầu sốt cao từng cơn, dùng thuốc không hạ, cơ thể nổi vết ban. Biểu hiện lạ này khiến bà mẹ trẻ nghi ngờ vì khi cảm hay sốt, con thường sẽ đáp ứng tốt với thuốc, ít khi sốt tái đi tái lại nhiều lần.

Vợ chồng chị tức tốc đưa con đi khám tại một phòng khám tư và được cấp thuốc về điều trị tại nhà. Một ngày sau, dù đã uống thuốc, bé Đăng vẫn sốt cao, hai vợ chồng lại tất tả đưa con trở lại phòng khám.

"Thấy tình trạng của bé tệ hơn, chúng tôi mang con xuống Bệnh viện Nhi đồng 1. Do khoa đông bệnh nhi, con tôi được kê thuốc hạ sốt và điều trị ngoại trú nhưng vẫn không đỡ, phải nhập viện", chị Thúy kể.

Bà mẹ trẻ nhớ lại thời điểm nhập viện, dù ngày cuối tuần, bé Đăng phải nằm tạm ở giường ngoài hành lang vì quá đông.

IMG_9593.jpg

Bé Hải Đăng được điều trị tay chân miệng tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Linh Thùy.

Đến hôm thứ 2 sau nhập viện, con vẫn sốt cao không đỡ, bác sĩ thông báo sẽ làm xét nghiệm dịch tủy nếu tình trạng tiếp diễn vì sợ bệnh gây biến chứng lên não. Nghe đến xét nghiệm dịch não tủy, chị Thúy như điếng người.

May mắn, đến tối ngày thứ 2 nhập viện, bé Đăng hạ sốt. Các xét nghiệm không ghi nhận bất thường.

"Tay chân miệng có 2 triệu chứng kinh điển"

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết nếu trẻ có 2 đặc điểm gồm sốt cao trên 2 ngày không hạ và ngủ giật mình chới với, phụ huynh nên ngay lập tức đưa con đến bệnh viện để trẻ được điều trị kịp thời.

Chuyên gia này nhấn mạnh bệnh tay chân miệng diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt 3 ngày đầu tiên. Khi qua ngày thứ 5, phụ huynh có thể yên tâm. Trong 3 ngày đầu, trẻ sốt, uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm là cảnh báo nguy hiểm.

"Ngoài ra, biểu hiện chuyển bệnh khác dễ bị bỏ qua hơn là trẻ ngủ giật mình chới với. Triệu chứng này khác hẳn so với thói quen ngủ giật mình hàng ngày của trẻ. Cha mẹ cần quan sát để nhận thấy bất thường khi trẻ ốm", bác sĩ Quy cho biết.

taychanmieng_1_zing.jpg

Phụ huynh mệt mỏi trông con đang điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Linh Thùy.

Thói quen ngủ giật mình ở trẻ thường xuất hiện khi bé đã chìm vào giấc ngủ sâu và bị đánh thức bởi những yếu tố làm phiền (ngủ mơ, tiếng động, tiếng ồn...). Trẻ có thể giật mình, khóc ré hoặc quấy khóc sau đó.

Ngược lại, hiện tượng giật mình chới với ở trẻ mắc tay chân miệng lại xuất hiện ở đầu giấc, khi bé mới chỉ bắt đầu ngủ. Trẻ có thể giật mình, giơ các chi lên cao và hạ xuống, rồi tiếp tục ngủ bình thường.

"Giật mình chới với là dấu hiệu trẻ biến chứng nặng, tần suất giật mình từ 2 lần trong vòng 30 phút là cảnh báo", bác sĩ Quy nói thêm.

Bác sĩ Quy nhấn mạnh nếu không nhập viện kịp thời, bệnh sẽ phát triển nặng hơn, có thể biến chứng lên não, đe dọa đến tính mạng trẻ.

Do đó, trong quá trình chăm sóc con tại nhà, cha mẹ và người thân nên để ý và theo dõi sát sao từng thay đổi của trẻ để không bỏ qua 2 triệu chứng chuyển bệnh kinh điển của căn bệnh này.

Một số triệu chứng khác ở trẻ mắc tay chân miệng cần lưu ý là: nổi hồng ban ở tay, chân, mông; miệng chảy nước bọt kèm sốt nhẹ...

"Nhiều phụ huynh phát hiện triệu chứng bất thường của con nhưng chờ đến ban ngày hoặc đầu tuần mới đi khám. Việc này có thể bỏ qua giai đoạn vàng trong việc trị bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ", bác sĩ Quy nói thêm.

Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, trong tuần 22, toàn thành phố có 287 ca bệnh tay chân miệng, tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước (123 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả trẻ điều trị nội trú và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 22 là 1.972 ca.

Thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh của thành phố, có 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng triệu chứng nặng được phát hiện Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gene B5 khi tiến hành giải trình tự gene.

EV71 chính là tác nhân gây dịch lớn năm 2011, 2018. Với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của EV71, tình hình dịch bệnh tay chân miệng được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.

Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022