Không chia sẻ thành công
Nếu có điều gì tốt đẹp xảy ra, vợ (chồng) thường là người đầu tiên bạn muốn đến báo tin. Khi nhu cầu đó không còn hoặc bạn lo lắng rằng họ có thể không phản ứng tích cực, thì không ổn.
L. Emily Dowling, một nhà trị liệu về hôn nhân và gia đình (Virginia, Mỹ), cho biết, trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bạn thậm chí không nghĩ đến việc chia sẻ hạnh phúc với nửa kia của mình.
Cách giải quyết: Bước đầu tiên là tự hỏi lý do vì sao bạn không quan tâm đến việc chia sẻ tin vui với bạn đời. "Có phải do bạn từng chia sẻ nhưng không được đón nhận? Bạn có lo bạn đời không hạnh phúc hoặc hỗ trợ không?", Dowling gợi ý. Hãy cùng trò chuyện với nhau về lý do và hỗ trợ nhau để tìm lại thói quen này.
Không hỗ trợ nhau
Các cặp vợ chồng có mối quan hệ lành mạnh tạo không gian cho nhau khi cần hỗ trợ và trấn an. Khi hôn nhân trục trặc, các đôi có thể không tìm nhau để đáp ứng nhu cầu tình cảm. "Họ thậm chí không thể thừa nhận sự tồn tại của những nhu cầu này, nhưng vẫn thấy đau đớn vì liên tục không được đáp ứng trong hôn nhân", chuyên gia nói.
Cách giải quyết: Thành thật với bản thân trước và khám phá xem nhu cầu tình cảm của bạn là gì. Sau đó, giải quyết những lo lắng của bạn về việc chia sẻ nhu cầu đó với vợ/chồng mình, dù đó là nỗi sợ bị phớt lờ hay bị chỉ trích.
"Hãy trao đổi với vợ/chồng rằng bạn cũng sẵn sàng lắng nghe nhu cầu tình cảm của họ và bạn muốn tìm cách để cả hai có thể đáp ứng nhu cầu thường xuyên hơn", Dowling nói.
Ảnh minh họa: Focusonthefamily
Tranh cãi lặp lại về một vấn đề
Những cặp vợ chồng có hôn nhân lung lay thường tranh cãi lặp lại về cùng một vấn đề chưa được giải quyết. Bất kể điều gì gây tranh cãi, mọi thứ cuối cùng lại lặp lại, càng làm tăng khoảng cách vợ chồng.
"Vợ chỉ trích, người chồng phòng thủ và chỉ trích lại. Người vợ lại phòng thủ, lặp lại thành vòng tròn như vậy", chuyên gia nói.
Cách giải quyết: Hãy lùi lại một bước, nhìn vào khuôn mẫu vợ chồng bạn đang gặp phải, tìm cách tiếp cận bất đồng từ một góc khác.
Ví dụ, thay vì nói "Anh chẳng bao giờ nhớ lịch trình của các con. Em ghi mọi thứ vào lịch nhưng anh chẳng kiểm tra", hãy nói "Gần đây em thấy mệt khi phải theo dõi lịch của các con. Em biết anh đang bận nhưng cũng không muốn để em làm việc này một mình. Em muốn mình cùng hỗ trợ nhau nhiều hơn khi nói đến việc này".
Luôn nghĩ một cách tiêu cực về bạn đời
Vì bất cứ lý do gì, khi hai người mất kết nối và không cố gắng hiểu vấn đề sẽ tạo ra oán giận, dẫn đến một hoặc cả hai luôn nhìn người kia một cách tiêu cực.
Ví dụ, vợ/chồng quên mua một món quà sinh nhật cho bữa tiệc cuối tuần, bạn sẽ nghĩ, chắc cô/anh ấy cố tình làm vậy. "Bộ não của chúng ta làm rất tốt việc giả định điều tồi tệ nhất để giữ an toàn. Đôi khi có nghĩa là ta điền vào chỗ trống tình huống xấu nhất khi xảy ra hiểu lầm với vợ/chồng", chuyên gia nói.
Cách giải quyết: Hãy dành một chút thời gian để sống chậm lại và thực sự suy nghĩ về hành động cũng như những ý định ẩn sâu bên trong của bạn đời. Nếu bạn nghĩ "tôi không quan trọng với anh/cô ấy", hãy tạm dừng và điều chỉnh, nhận ra rằng những suy nghĩ này có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi của chính bạn. "Khi bạn chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính mình, nhiều khả năng bạn sẽ tò mò hơn là giả định hoặc đổ lỗi khi có sự hiểu lầm",Dowling nói.
Phán xét và soi mói
Nếu cảm giác quan tâm và lòng trắc ẩn đã bị thay thế bằng sự phán xét và soi mói, bạn đang đi vào con đường tồi tệ. Lachlan Brown, một chuyên gia về tâm lý học hành vi (Mỹ) cho biết, liên tục chỉ trích bạn đời có thể là dấu hiệu của bất hạnh hôn nhân. "Đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng khi cần thiết là lành mạnh, nhưng khi những lời chỉ trích thái quá và liên tục có thể gây hại", Brown nói.
Cách giải quyết: Bạn và đối tác cần thừa nhận đang chỉ trích lẫn nhau và cùng cố gắng tìm ra nguyên nhân gốc rễ. "Đó là về kiểm soát? Bất an? Sự tức giận? Sau đó, hãy cởi mở với đối tác về những lời chỉ trích khiến bạn cảm thấy thế nào và điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ ra sao", Brown nói.
Bạn có cuộc sống riêng biệt
Mặc dù các cặp vợ chồng có sở thích và cuộc sống riêng là tốt, nhưng sẽ có lúc có quá nhiều không gian riêng là một dấu hiệu nguy hiểm. "Nếu bạn hoặc đối tác của bạn thích dành thời gian xa nhau hơn là ở bên nhau, đó có thể là dấu hiệu của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thời gian dành cho nhau giúp xây dựng mối quan hệ gắn bó và hiểu biết sâu sắc", chuyên gia nói.
Cách giải quyết: Bạn và bạn đời cần nỗ lực có ý thức để kết nối lại. Dành thời gian cho nhau, tham gia vào các hoạt động mà cả hai đều thích và có thể chia sẻ cùng nhau. "Thường xuyên dành thời gian chất lượng cho nhau, đơn giản như ăn tối cùng nhau mà không bị phân tâm hoặc dành ra một buổi tối mỗi tuần để hẹn hò. Kinh nghiệm được chia sẻ giúp xây dựng kết nối và thúc đẩy ý thức hợp tác", Brown gợi ý.
Phòng ngủ nguội lạnh
Phòng ngủ là một trong những nơi quan trọng có thể xác định các vấn đề trong hôn nhân, vì thiếu ham muốn và sự hấp dẫn tình dục là một dấu hiệu chắc chắn rằng mọi thứ không như ý muốn.
"Sự suy giảm tình cảm hoặc gần gũi về thể xác là một dấu hiệu nguy hiểm trong hôn nhân. Mặc dù mức độ tình cảm dao động theo thời gian là điều bình thường, nhưng thiếu kết nối kéo dài có thể chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn", Brown cảnh báo.
Cách giải quyết: Tìm thời gian để thảo luận vấn đề một cách cởi mở và trung thực. Cố gắng tìm ra gốc rễ của những gì có thể gây ra, cho dù đó là sự mệt mỏi về thể chất, căng thẳng tinh thần, các vấn đề sức khỏe hay chỉ là cuộc sống cản trở. Sau đó, dần dần bắt đầu tìm cách thân mật với nhau bên ngoài phòng ngủ. "Hãy cố gắng thắp lại ngọn lửa bằng cách đánh giá cao, hành động tử tế hoặc lên kế hoạch cho các hoạt động lãng mạn", chuyên gia gợi ý.
Quá nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết
Nếu bạn có một kho dự trữ những bất đồng mà không được giải quyết và tạo ra một danh sách dài những điều oán giận, đó là một dấu hiệu nguy hiểm.
Cách giải quyết:Đây là lúc để bàn bạc mọi thứ với đối tác. Yêu cầu bạn đời giải thích các vấn đề chưa được giải quyết. Cố gắng lắng nghe những gì vợ/chồng đang nói mà không để cảm xúc làm lu mờ. Hỏi, tìm kiếm sự thỏa hiệp và tìm giải pháp cả hai bạn có thể thích nghi.
"Việc giao tiếp cởi mở là rất quan trọng. Bạn cần bày tỏ cảm xúc của mình và hiểu quan điểm của đối tác", Brown nói.
Nhật Minh (Theo fatherly)