Dạy trẻ tự lập không có nghĩa là thúc ép chúng lớn quá nhanh hay bỏ quên nhu cầu của chúng. Thay vào đó, đây là việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng và sự tự tin để trở thành những cá nhân có năng lực và tự lập.
Nuôi dạy một đứa trẻ tự lập đòi hỏi sự kiên nhẫn, hướng dẫn và sẵn sàng học cách buông tay một chút.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ có thể bắt đầu phát triển ý thức tự lập ngay từ khi được 7 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, cảm giác tự lập mới hình thành của bé thể hiện nhiều hơn thông qua nhận thức ngày càng tăng của chúng về sự tách biệt của trẻ với những người chăm sóc. Khi trẻ tiếp tục lớn lên và phát triển, cha mẹ có thể giúp nuôi dưỡng tính tự lập của chúng bằng cách dần dần giới thiệu các nhiệm vụ và trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn như tự ăn, khám phá môi trường xung quanh.
Ảnh minh họa: Pexels
Khuyến khích trẻ chơi một mình
Dạy bé tự lập có thể là một quá trình đầy thử thách nhưng bổ ích. Một trong những bước đầu tiên trong việc tạo ra một em bé tự lập là khuyến khích chúng tự chơi. Điều này không có nghĩa là để chúng một mình trong thời gian dài, mà là tăng dần thời gian chơi một mình trong khi cha mẹ vẫn để mắt đến chúng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách cho trẻ vào một khu vực vui chơi an toàn với một số đồ chơi và cho phép trẻ tự khám phá và chơi. Điều này không chỉ giúp phát triển các kỹ năng vận động thô, tinh mà còn khuyến khích trí tưởng tượng và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ.
Cha mẹ cần nhớ, điều quan trọng là luôn khuyến khích và khen ngợi những thành tích của trẻ, cho dù chúng có nhỏ đến đâu. Bằng cách nuôi dưỡng ý thức tự lập ở con, bạn sẽ chuẩn bị cho chúng một tương lai tự tin và thành công.
Để trẻ tự ăn
Để trẻ tự ăn là một bước khởi đầu tốt. Nên cho bé cơ hội tự ăn để khuyến khích khả năng tự túc và cải thiện các kỹ năng vận động. Bạn có thể bắt đầu bằng cách cho chúng ăn những thức ăn cầm tay dễ cầm như trái cây mềm hoặc rau nấu chín được cắt thành những miếng nhỏ, dễ cầm. Đừng lo lắng nếu lúc đầu chúng làm lộn xộn hoặc gặp khó khăn, tất cả đều là một phần của quá trình học tập.
Khi bé đã tự tin hơn trong việc tự ăn, bạn có thể dần dần cho trẻ làm quen với các dụng cụ khác nhau, khuyến khích bé hoàn toàn tự lo liệu việc ăn uống của mình.
Cho trẻ tự biết cách tự xoa dịu
Khi em bé của bạn có thể tự xoa dịu bản thân, điều đó không chỉ có nghĩa là trẻ sẽ ít khóc hơn, điều đó còn có nghĩa là bé sẽ bắt đầu học cách xử lý cảm xúc của mình và trở nên tự chủ hơn.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách cho bé vài phút ở một mình trong cũi hoặc cũi chơi, điều này sẽ giúp bé học cách quản lý cảm xúc và có ý thức tự lập.
Cho trẻ cơ hội lựa chọn
Điều quan trọng là phải cho bé nhiều cơ hội để đưa ra lựa chọn. Nhưng nó không có nghĩa là bạn để trẻ chạy lung tung và chọn bất cứ thứ gì chúng muốn mọi lúc, thay vào đó, là cho chúng cơ hội phát triển kỹ năng ra quyết định. Bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng cách đưa ra hai lựa chọn, chẳng hạn như chơi đồ chơi nào hoặc dùng bát màu gì trong giờ ăn.
Việc được đưa ra quyết định sẽ mang lại cho bé cảm giác kiểm soát vấn đề và cần chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
Khen ngợi nỗ lực và thành tích của bé
Khi bạn nỗ lực nuôi dạy một đứa trẻ tự lập, điều quan trọng là phải cung cấp sự củng cố tích cực trong quá trình này. Một cách để làm điều đó là khen ngợi những nỗ lực và thành tích của trẻ.
Cha mẹ có thể nói những lời động viên, cùng ăn mừng những chiến thắng nhỏ của trẻ, điều này có thể giúp xây dựng sự tự tin của chúng và thúc đẩy chúng tiếp tục thử những điều mới.
Thùy Linh (Theo Asianparent)