Dưới đây là 5 kỹ năng then chốt cha mẹ nên dạy cho trẻ vào từng độ tuổi và thời kì khác nhau và có thể rèn luyện cho con dần dần.
Làm vườn là hoạt động tuyệt vời để dạy cho trẻ em về nguồn gốc của lương thực, thực phẩm. Ảnh: Shutterstock.
Tự trồng cây để lấy lương thực
Cuộc sống hiện đại đem tới nhiều tiện nghi nhưng cũng khiến chúng ta bị xa rời nguồn thức ăn hơn bao giờ hết. Chỉ cần vào siêu thị là có thể mua đủ mọi lương thực thực phẩm. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn đang tìm mọi cách để lôi kéo chúng ta, đặc biệt là trẻ em, chú ý tới các sản phẩm của họ.
Khi mọi thứ chúng ta ăn đều đến từ một nơi như siêu thị thì trẻ em sẽ không biết được nguồn gốc của các đồ ăn và cũng không hiểu được sự khác biệt giữa thực phẩm thô và thực phẩm chế biến sẵn. Vì vậy, làm vườn là hoạt động tuyệt vời để dạy cho trẻ em về nguồn gốc của lương thực, thực phẩm.
Nếu nhà bạn không có sân vườn rộng, bạn có thể tận dụng ban công làm nơi cho trẻ học làm vườn.
Chỉ nhờ một sự hỗ trợ nhỏ từ cha mẹ, trẻ em có thể tự ươm hạt trong nhà, chờ hạt nảy mầm và đưa cây ra ngoài trời, sau đó tưới nước cho cây hàng ngày.
Khi tự tay trồng cây, trẻ sẽ hiểu lương thực thực phẩm từ đất tới bàn ăn như thế nào. Ngoài ra trong bữa ăn đó, cha mẹ cũng có thể nói chuyện với con cái về thực phẩm sạch hay chế độ ăn lành mạnh.
Học nấu ăn
Nấu ăn là một kỹ năng mà trẻ hoàn toàn có thể rèn luyện trước khi bước vào đại học. Khi chúng ta cho trẻ tham gia vào quá trình nấu ăn, trẻ sẽ không chỉ học được một kỹ năng quan trọng mà còn tìm thấy niềm vui và sự sáng tạo.
Những trẻ còn nhỏ có thể không nấu được trọn vẹn một món ăn nhưng các em có thể tham gia giúp các công đoạn sơ chế đơn giản như rửa rau củ. Các em cũng có thể phụ giúp bố mẹ đong đếm lượng nguyên liệu để làm món ăn đó. Những trẻ em lớn có thể giúp hoàn thành nhiều công đoạn hơn nữa.
Điều quan trọng là, học nấu ăn, cũng giống như làm vườn, sẽ giúp các em ăn uống một cách có ý thức. Trong quá trình học nấu ăn, trẻ em sẽ tiếp xúc với thực phẩm thô và nguyên liệu tự nhiên. Khi đó, cha mẹ sẽ dễ dàng giải thích cho các em hiểu những đồ ăn chế biến sẵn có hại cho sức khỏe như thế nào.
Quản lý tiền bạc
Trong bối cảnh các khoản vay, thẻ tín dụng hay mua hàng trả góp "mời gọi" khắp nơi, chúng ta rất dễ rơi vào các khoản nợ bất tận. Vì vậy, giáo dục trẻ em về quản lý tiền bạc là rất quan trọng để chuẩn bị cho tương lai của các em.
Bạn có thể giải thích cho con về tài chính của gia đình hay giá cả các mặt hàng tại siêu thị. Khi trẻ em hiểu được rằng tiền của gia đình chỉ có giới hạn, các em sẽ học cách suy nghĩ kỹ trước khi quyết định chi tiêu cho một món đồ nào đó.
Nhiều gia đình dùng tiền thưởng để cho trẻ em có cơ hội có một khoản tiền riêng của mình. Với số tiền đó, trẻ sẽ có thể thực hành quản lí tài chính, tiết kiệm để mua món đồ yêu thích hoặc theo đuổi một kế hoạch nào đó.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên thưởng tiền cho trẻ khi trẻ làm những công việc cá nhân như dọn dẹp phòng riêng hay giặt đồ.
Ngoài ra, không nên ngại ngần nói "Bố/mẹ xin lỗi nhưng bây giờ nhà mình không đủ khả năng để mua món đồ đó". Điều đó sẽ giúp trẻ hiểu sự hạn chế của ngân sách và sẽ thận trong hơn khi sử dụng thẻ tín dụng về sau này.
Nhìn chung, nếu có khả năng quản lý tài chính tốt thì trẻ sẽ có một tương lai vững vàng hơn.
Sắp xếp nơi ở gọn gàng
Sự bừa bộn có thể làm lãng phí rất nhiều thời gian để tìm đồ đạc khi cần. Do đó, kỹ năng sắp xếp đồ đạc là một trong những kỹ năng quan trọng đối với bất kì ai. Nếu chúng ta học kỹ năng này càng sớm thì càng dễ biến nó thành thói quen có ích cho cả cuộc đời.
Trong đời sống hàng ngày, tình trạng bừa bộn là điều khó tránh khỏi nhưng nếu có tư duy đúng và công cụ phù hợp, trẻ em sẽ có thể tự dọn dẹp phòng ngủ của mình mà không cảm thấy nặng nhọc hay căng thẳng. Từ việc lọc các đồ chơi bị hỏng hay không dùng nữa cho tới việc nhặt các bộ quần áo đã quá chật để đem từ thiện, trẻ em dù ở lứa tuổi nào cũng có thể học cách làm cho không gian sống của mình gọn gàng và thoải mái hơn.
Cha mẹ nên từ bỏ mong muốn con mình có thể làm vừa "đúng" lại vừa "nhanh" theo ý cha mẹ. Đôi lúc, các em cần phải làm nhiều lần mới có thể sắp xếp gọn gàng nơi ở của mình và có thể các em có cách sắp xếp không giống như cha mẹ. Điều cốt lõi là các em hiểu việc sắp xếp đồ vật quan trọng ra sao và tốt cho bản thân các em như thế nào.
Quản lý thời gian
Đây là kỹ năng mà nhiều người lớn phải vật lộn một phần là do chúng ta quá bận rộn với đời sống gia đình. Chúng ta phải hoàn thành một "núi việc" bao gồm học hành, công việc, nấu ăn, sửa chữa nhà cửa, tập thể dục thể thao, tham gia các bữa tiệc, vui chơi và việc nào cũng không thể bỏ được. Điều đó có thể khiến bất kì ai cũng cảm thấy "quay cuồng".
Do vậy, kỹ năng lên kế hoạch cần được rèn luyện bất kì khi nào có thể. kỹ năng đó sẽ giúp chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ của mình một cách suôn sẻ đồng thời vẫn có thời gian để làm những điều có ý nghĩa cho bản thân.
Để dạy trẻ về kỹ năng lên kế hoạch, cha mẹ có thể tạo một chiếc bảng trắng trong nhà. Mỗi tháng, trẻ sẽ là người "giữ sổ lịch", viết ra các ngày trong tháng kèm theo sự kiện hay hoạt động dành cho những ngày đó. Sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ bám sát kế hoạch này.
Vào những tuần hoặc tháng bận rộn, các thành viên trong gia đình có thể chỉ định một kì "cuối tuần dành để xả hơi" kéo dài từ thứ bảy đến chủ nhật hay đề xuất một "buổi tối xem phim" theo đó cả nhà sẽ tụ họp và cùng nhau xem một bộ phim nào đó.
Khi cha mẹ cho trẻ tham gia vào các hoạt động như nấu ăn sao cho tiết kiệm thời gian nhất hay sử dụng thời gian rỗi như thế nào sẽ giúp trẻ sau này có kỹ năng quản lí thời gian một cách thông minh bất kể cuộc sống bận rộn ra sao.
Khánh Ngọc (Theo Mothering)