khi-quyen-set-1910-1729482310.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gmxbxUku9SJ23PHb3r99Dg

Giới chuyên gia nỗ lực tìm các giải pháp ngăn chặn ấm lên toàn cầu, trong đó có bơm hạt aerosol vào tầng bình lưu để làm chệch hướng ánh sáng Mặt Trời. Ảnh: Anadolu Ajansi

Nhà khoa học Sandro Vattioni tại Viện Khoa học Khí hậu và Khí quyển thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) cùng đồng nghiệp đưa ra ý tưởng dùng bụi kim cương làm mát Trái Đất, IFL Science hôm 20/10 đưa tin. Ý tưởng này được trình bày trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Geoengineering là kỹ thuật gây tranh cãi khi can thiệp vào những quá trình môi trường tự nhiên nhằm làm giảm tác động của biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu. Trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả tập trung vào một loại geoengineering là bơm hạt aerosol vào tầng bình lưu.

Phương pháp này bao gồm đưa một lượng lớn các hạt tí hon hay aerosol vào tầng bình lưu - tầng thứ hai của khí quyển - để làm chệch hướng ánh sáng Mặt Trời, mang lại hiệu ứng làm mát giúp giảm tốc hoặc đảo ngược sự ấm lên toàn cầu. Thông thường, người ta sử dụng hạt lưu huỳnh, nhưng điều này có thể đi kèm với những rủi ro về khí hậu. Việc bơm hạt lưu huỳnh vào không khí thậm chí có thể gây tác động ngược và kích hoạt sự ấm lên của tầng bình lưu.

Tìm kiếm giải pháp thay thế cho hạt lưu huỳnh, nhóm nghiên cứu của Vattioni phát triển một mô hình khí hậu 3D để mô phỏng cách các hạt aerosol của nhiều vật liệu khác nhau phản ứng trong khí quyển. Chúng bao gồm aerosol từ nhôm, canxit, silicon carbide, anatase, rutile cũng như kim cương và lưu huỳnh dioxide.

Mô hình được lập trình để xem xét nhiều yếu tố như khả năng hấp thụ hoặc phản xạ nhiệt của từng vật liệu, thời gian chúng tồn tại trong khí quyển và xu hướng kết tụ qua thời gian. Lý tưởng nhất là các hạt aerosol sẽ chậm rời khỏi khí quyển (giúp giữ cho Trái Đất mát lâu hơn) và tránh kết tụ (gây ấm lên vì giữ nhiệt).

Kết quả, lưu huỳnh dioxide đứng cuối còn kim cương đứng đầu. Trong 45 năm mô phỏng, các hạt aerosol kim cương là lựa chọn tốt nhất để phản xạ bức xạ Mặt Trời.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều vấn đề. Một trong những trở ngại lớn nhất là chi phí. Vattioni cho biết, việc giảm 1,6 độ C sẽ cần 5 triệu tấn hạt kim cương mỗi năm, nghĩa là phải tốn 200 nghìn tỷ USD trước khi thế kỷ 21 kết thúc. Trong khi đó, dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy tổng GDP toàn thế giới năm 2023 chỉ là 105,44 nghìn tỷ USD. Nhóm của Vattioni cũng cho biết, cần nghiên cứu thêm xem việc bơm hạt rắn vào khí quyển mà không gây ra hiện tượng kết tụ có khả thi không.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022