Thông tin nêu tại hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", tổ chức chiều 22/10 tại Hà Nội. Thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10 nghìn tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.
Đáp ứng nhu cầu thị trường này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã vận hành Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) và xây dựng bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal về thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal.
Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal. Tiếp sau đó tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam cũng được xây dựng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói về việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về Halal tại sự kiện chiều 22/10. Ảnh: TTTT
Theo Bộ trưởng, tiêu chuẩn quốc gia này sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua việc phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Ông cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp và đối tác quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững, từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đến nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam, đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ Mohamed Jinna nhìn nhận Việt Nam đang ở thời điểm vàng để nắm bắt các cơ hội tham gia vào thị trường quy mô hơn 7.000 tỷ USD này. "Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng, trung tâm của nền kinh tế Halal toàn cầu", ông nói.
Bảo Chi