VNE-Moon-4947-1729595395.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L2aTV9E3n8jxccjE9thN0Q

Mô phỏng bom nổ trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: All that is interesting

Năm 1957, Liên Xô khiến cả thế giới kinh ngạc khi đưa lên quỹ đạo vệ tinh nhân tạo, Sputnik, vào thời điểm các nhà sản xuất tên lửa Mỹ vẫn đang tìm hiểu cơ cấu phức tạp của hệ thống phóng. Trong nỗ lực đầu tiên của họ, tên lửa phát nổ ngay trên bệ phóng. Gần 4 tháng sau Sputnik, và 3 tháng sau khi vệ tinh Liên Xô Sputnik 2 đưa sinh vật sống đầu tiên là chú chó Laika vào không gian, Mỹ mới phóng thành công vệ tinh đầu tiên là Explorer 1 vào ngày 31/1/1958. Vệ tinh này chỉ nặng 14 kg trong khi Sputnik nặng 83,6 kg và là tên lửa mạnh nhất từng được thiết kế ở thời điểm đó.

Rõ ràng, Liên Xô đang dẫn trước trong cuộc đua vào không gian và Mỹ tìm kiếm một thành tựu có thể cũng cố vị thế của họ. Các nhà chức trách Mỹ nghĩ tới khả năng đưa một quả bom nguyên tử lên Mặt Trăng và kích nổ để cả thế giới chứng kiến. Đó là lý do dự án A119 ra đời, theo Amusing Planet.

Ngay lập tức, một nhóm nhà vật lý và nhà khoa học được huy động để nghiên cứu tầm quan sát vụ nổ từ Trái Đất. Đó là mục tiêu nghiên cứu số một cùng với một số vấn đề khác như liệu vụ nổ như vậy có thể gây hại cho môi trường Mặt Trăng hay không. Họ xác định quả bom sẽ được kích nổ ở vùng chạng vạng để ánh sáng Mặt Trời rọi vào đám mây bụi hình thành từ vụ nổ, giúp nhìn thấy nó từ Trái Đất. Nhà thiên văn học và khoa học hành tinh nổi tiếng Carl Sagan, khi đó là nghiên cứu sinh do Gerard Kuiper hướng dẫn, cũng nằm trong nhóm nghiên cứu. Ông được yêu cầu tạo ra mô hình toán học về sự giãn nở của đám mây bụi trong không gian quanh Mặt Trăng.

Ban đầu, các chuyên gia cân nhắc sử dụng bom nhiệt hạch nhưng sau đó kết luận nó quá nặng cho chuyến bay 386.243 km tới Mặt Trăng. Thay vào đó, một thiết bị nhỏ hơn với đương lượng (khối lượng của một chất phản ứng) nổ tương đối thấp là 1,7 kiloton được lựa chọn. So với nó, quả bom Little Boy thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 có đương lượng nổ 13 - 18 kiloton. Hoạt động trong dự án A119 kéo dài đến tháng 1/1959 và bị dừng đột ngột. A119 trở thành dự án tuyệt mật và tất cả thành viên dự án phải thề giữ bí mật nhiệm vụ.

Sự tồn tại của dự án A119 vẫn là một bí mật cho tới giữa thập niên 1990 khi nhà văn Keay Davidson phát hiện câu chuyện trong lúc nghiên cứu cuộc đời của Carl Sagan để viết tiểu sử. Sagan nhắc tới một số chi tiết của dự án và bị cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia khi nộp đơn xin học bổng ở Đại học California năm 1959. Nhiều chi tiết về dự án trở nên sáng tỏ năm 2000 không lâu sau khi tiểu sử của Carl Sagan được xuất bản và nhà vật lý Leonard Reiffel, người chỉ đạo nghiên cứu, chia sẻ với báo giới.

"Nếu họ xúc tiến dự án, chúng ta sẽ không bao giờ có hình ảnh lịch sử khi Neil Armstrong thực hiện 'bước tiến khổng lồ của nhân loại'", tiến sĩ David Lowry, sử gia hạt nhân người Anh, nhấn mạnh.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022