UBND TP HCM vừa có báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 năm 2014 và Nghị quyết 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo UBND TP HCM, qua 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, ngoài những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống giáo viên; một số quy định thiếu phù hợp với đặc thù TP là một đô thị phát triển.

Với những hạn chế, tồn tại trên, UBND TP đã kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ khi không thu tiền học phí buổi hai đối với học sinh học chương trình GDPT 2018 cần có chế độ, chính sách cho giáo viên dạy buổi 2. TP HCM đề xuất xây dựng nhanh cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy hai buổi/ngày để yên tâm công tác. Đồng thời cho phép các đơn vị hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được còn trong chỉ tiêu định biên và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này.

z368027537158135703b6b33adaa95381dd2b365d84e4f-16617475982701586387972.jpg

Học sinh học buổi 2 chương trình 2018 không thu học phí nên GV dạy 2 buổi chương trình này cũng không có chế độ, chính sách

Trong khi đó, TP HCM nêu kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm tài sản công cần rút ngắn thời gian đơn giản hóa, giao quyền chủ động để các trường kịp thời trang bị, mua sắm thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn thiết bị.

Đồng thời, đối với Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, nhà trường tổ chức tuyển dụng, thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu. Cần có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình 2018. Xây dựng, bổ sung vị trí việc làm đảm bảo đủ định biên theo định mức, số tiết quy định, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

Đặc biệt, đối với Bộ GD-ĐT, cần có quy định cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học Chương trình 2018 theo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương thay thế các thiết bị, đồ dùng dạy học theo các quy định cũ.

Báo cáo của UBND TP HCM cũng nêu rõ, với những yêu cầu đáp ứng Chương trình 2018 của Bộ GD-ĐT, theo lộ trình, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp hiện nay của TP còn một số vấn đề khó khăn. TP HCM hiện có một thành phố và 21 quận, huyện trực thuộc, trong đó đối với các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế xã hội và có các khu chế xuất, khu công nghiệp như thành phố Thủ Đức và các quận 7, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, các huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi dẫn đến tình trạng dân số tăng, cơ học cao. Vì vậy, áp lực về chỗ học mỗi năm của TP HCM rất lớn nhưng quy trình đầu tư công kéo dài, khả năng cân đối ngân sách hạn chế.

Do đó, việc đáp ứng về phòng học đảm bảo sĩ số/lớp đúng theo điều lệ và tỷ lệ học 2 buổi/ngày trên toàn địa bàn TP nhìn chung còn nhiều khó khăn. Việc trang bị máy vi tính để bàn trong các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo phương thức mua sắm tập trung, do đó gặp khó khăn và chưa đáp ứng kịp thời thiết bị để áp dụng lộ trình của Chương trình 2018.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022