Thông tin được ông Lê Thanh Minh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nói tại hội nghị góp ý chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 17/1.

"Hiện nay, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) khoảng 200 tỷ đồng, khi tăng lên 2% GRDP, tương đương 5.000 tỷ đồng là con số rất lớn", ông Minh nói. Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, 5.000 tỷ đồng bao gồm từ ngân sách và nguồn lực xã hội. Nguồn từ ngân sách đóng vai trò dẫn dắt, thành phố sẽ xây dựng cơ chế huy động tài chính từ các nguồn lực khác cùng tham gia.

Ngoài ra, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

z6237936382786-5565f12f4872e01-8961-5267-1737107900.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m2sa8EG8WM-CKGzd7AURgg

Ông Lê Thanh Minh phát biểu tại hội nghị chiều 17/1. Ảnh: An Phương

Chi tiền thông qua giải thưởng

Góp ý cho kế hoạch hành động, TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, cho rằng quy mô nền kinh tế đã tạo cho TP HCM thế mạnh về tiền. Điều quan trọng là thành phố phải tạo ra cơ chế thông thoáng để chi được nhiều tiền hơn cho nghiên cứu phát triển, đơn giản và đẩy nhanh công tác thanh quyết toán cho nhà khoa học.

"Chúng ta có tiền thì đừng tiếc khi chi", TS Khang nói, so sánh với giải thưởng VinFuture về khoa học và công nghệ với kinh phí hoạt động ban đầu được cam kết là 2.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Từ đó, ông Khang đề nghị TP HCM cũng nên có giải thưởng xứng tầm, giá trị đủ tạo ra sự kích thích cống hiến, sáng tạo cho nhà khoa học.

"Thay vì 100 triệu đồng mỗi giải thì nên nâng lên 100.000 USD để nhà khoa học có tiền để tiếp tục nỗ lực, cống hiến. Các doanh nghiệp cũng có động lực tham gia vào lĩnh vực này", ông Khang nói.

z6237710180594-0e50dd0dc26495a-6439-2679-1737107900.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BCkDqEo29GkqZU7cC01MOA

TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, phát biểu tại hội nghị, chiều 17/1. Ảnh: An Phương

Cùng quan điểm với TS Khang, TS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), cho rằng các giải thưởng có giá trị là kinh phí để nhà khoa học tiếp tục hoạt động nghiên cứu.

"Giải thưởng lớn tốt hơn là để cho nhà khoa học đi xin duyệt đề tài rồi ngân sách giải ngân để làm", TS Tùng nói.

Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng có một thực tế là hàng năm có rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên ở các trường, viện công bố các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, để thương mại hóa và đưa các kết quả này vào cuộc sống rất phức tạp.

Theo TS Tùng nhiều nhà khoa học chỉ biết làm nghiên cứu, họ không quen các thủ tục xin phép để thương mại bởi thủ tục có khi mất 1-2 năm. Thời gian quá dài khiến các nghiên cứu tụt hậu. Theo kinh nghiệm các nước, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, họ sẽ có một trung tâm chịu trách nhiệm liên hệ với các trường, viện để khai thác. Trung tâm sẽ xử lý tất cả các quy trình, thủ tục hành chính giúp các nhà khoa học. "TP HCM nên có một trung tâm như vậy để rút ngắn thời gian đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào cuộc sống", ông Tùng nói.

Chọn lĩnh vực thế mạnh để đầu tư

PGS.TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), đề nghị TP HCM cần lựa chọn lĩnh vực là thế mạnh để đầu tư. Theo ông, hiện nông nghiệp đang mang đến giá trị xuất khẩu cao và là lĩnh vực Việt Nam có thể cạnh tranh. Do đó, TP HCM cần có chiến lược đầu tư, nghiên cứu vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc.

PGS.TS Phương cũng cho rằng các thiết bị ngành năng lượng tái tạo như tấm pin điện mặt trời, pin lưu trữ điện... đều phải nhập. Do đó, khi muốn phát triển ngành này, TP HCM cần tập trung phát triển công nghệ lõi.

Phong-thi-nghiem-ban-dan-Khu-c-1841-6462-1737107900.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-ked8lfVoRM8WoSi0MKGGw

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong dự thảo chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 57, đến năm 2030, TP HCM phấn đấu thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước, thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu, nhóm 3 tỉnh, thành về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thành phố sẽ hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành ít nhất 5 trung tâm xuất sắc đạt chuẩn quốc tế (CoE) trong các lĩnh vực trọng tâm; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 5-10 doanh nghiệp công nghệ lớn; tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 8 - 10%.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP.

Đến năm 2045, TP HCM trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao khu vực Đông Nam Á. Kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số dẫn đầu cả nước. Thu hút một số tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, nhà máy, trung tâm nghiên cứu, sản xuất.

Lê Tuyết

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022