"Đây là một khám phá đặc biệt vì hiếm khi khai quật được bức tranh tường có chất lượng tốt như vậy từ thời tiền Colombia. Bố cục của nó là duy nhất trong lịch sử nghệ thuật tranh tường ở Peru", trưởng nhóm khai quật Sam Ghavami, nhà khảo cổ học từ Đại học Fribourg của Thụy Sĩ, nhấn mạnh.

Ghavami cùng với một nhóm sinh viên Peru đã dành 4 năm để tìm kiếm bức bích họa mà ông tin rằng có thể khoảng 1.000 năm tuổi. Nó là một phần của ngôi đền Huaca Pintada, thuộc nền văn minh Moche phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 8 và tôn kính Mặt Trăng, mưa, cự đà và nhện.

tim-thay-tranh-tuong-1-000-nam-tuoi-bi-that-lac-1669864748.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P6iSZp_Q0VoODGRJehl5_w
Tìm thấy tranh tường 1.000 năm tuổi bị thất lạc

Tranh tường 1.000 năm tuổi được phát hiện tại ngôi đền Huaca Pintada ở Peru. Video: AFP

Bức tranh dài khoảng 30 m và không được che phủ, nhưng các nét vẽ bằng sơn màu xanh lam, nâu, đỏ, trắng và vàng của nó vẫn được bảo quản rất tốt. Trong một phần tranh, có thể nhìn thấy một đoàn chiến binh đang tiến về phía một vị thần giống chim.

Ghavami cho biết những hình ảnh "dường như được lấy cảm hứng từ ý tưởng về một hệ thống phân cấp thiêng liêng được xây dựng xung quanh sự sùng bái tổ tiên và mối liên hệ mật thiết của họ với các thế lực tự nhiên".

Việc giải mã thông điệp của bức tranh sẽ là một phần trong nghiên cứu tiếp theo của Ghavami. Nhà khảo cổ tin rằng "nó có thể là một hình ảnh ẩn dụ về trật tự chính trị và tôn giáo của cư dân cổ đại trong khu vực".

Phát hiện này cũng khác thường ở chỗ nó cho thấy sự pha trộn giữa các phong cách và yếu tố của hai nền văn hóa tiền Inca: Moche và Lambayeque, những người sống ở bờ biển phía bắc của Peru trong khoảng thời gian từ năm 900 đến 1350.

Trước đây, sự tồn tại của bức tranh tường chỉ được biết đến qua những bức ảnh đen trắng chụp vào năm 1916 bởi nhà dân tộc học người Đức Hans Heinrich Bruning, người đã sống ở Peru trong nhiều năm.

Tuy nhiên, những kẻ săn tìm kho báu đã phá hủy một phần bức tường khi họ cố gắng cướp phá địa điểm và khiến nó bị lãng quên cho đến nay.

Không ai biết về những bức ảnh mà Bruning đã chụp cho đến năm 1978. Kể từ đó, các nhà khảo cổ đã biết về đền Huaca Pintada, nhưng không ai đến khai quật địa điểm vì nghĩ rằng họ sẽ không tìm thấy gì ở đó.

Bức bích họa bắt đầu thu hút sự quan tâm của Ghavami khi làm luận án tiến sĩ về sự chuyển đổi văn hóa, như giữa các nền văn minh Moche và Lambayeque. Tuy nhiên, ông đã mất nhiều năm để xin phép và tiến hành khai quật ngôi đền.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022