Các nhà khoa học triển khai phao robot BGC-Argo trên biển Labrador. Ảnh: Adam Stoer
Theo nhóm nghiên cứu một nửa lượng sinh khối nằm ở độ sâu mà vệ tinh không thể phát hiện, Interesting Engineering hôm 28/10 đưa tin. Hệ sinh thái và các quá trình sinh địa hóa trên Trái Đất phụ thuộc nhiều vào thực vật phù du biển. Dữ liệu màu sắc đại dương từ vệ tinh cho phép ước tính chlorophyll-a (Chla), hay diệp lục tố a - thường được dùng để tìm hiểu sinh khối carbon. Tuy nhiên, các vệ tinh không theo dõi trực tiếp sinh khối thực vật phù du trong lòng đại dương vì chúng chỉ đo được một khu vực nhỏ trên bề mặt. Ngoài ra, sinh lý tế bào có sự dao động lớn nên Chla là một đại diện kém cho sinh khối carbon.
Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, mạng lưới phao robot Biogeochemical (BGC)-Argo giúp lấp đầy khoảng trống mà vệ tinh để lại. Các phao này có thể quan sát sâu hơn để đo lường những gì diễn ra bên dưới. Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp kết hợp này cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh hơn về điều kiện đại dương và thực vật phù du.
Họ sử dụng một mạng lưới gồm 903 phao robot để thu thập gần 99.350 hồ sơ sinh - quang học trong thập kỷ qua. Nhờ phân tích dữ liệu từ chúng, nhóm nghiên cứu thu được những thông tin mới về sự phân bố toàn cầu và những thay đổi của thực vật phù du theo thời gian và khu vực. Phát hiện mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phao robot để bổ sung cho những quan sát từ vệ tinh, cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về những gì diễn ra dưới bề mặt đại dương.
Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả mới có ý nghĩa quan trọng với việc giám sát sức khỏe của đại dương trong dài hạn, đặc biệt là dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Họ cũng gợi ý rằng các dự án geoengineering (địa kỹ thuật) cần tính đến sự biến đổi về sinh khối thực vật phù du khi đánh giá những tác động có thể xảy ra với môi trường.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)