Bai-tht-7343-1708145861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=McpWD1iEA43czp137TcW-Q

8 khay mẫu vật chứa các vật liệu từ tiểu hành tinh Bennu. Ảnh: NASA/Erika Blumenfeld & Joseph Aebersold

Tàu OSIRIS-Rex phóng lên không gian vào năm 2016, đến tiểu hành tinh Bennu năm 2018, thu thập mẫu vật năm 2020 và mang trở về Trái Đất tháng 9/2023. Các chuyên gia cần ít nhất 60 gram vật liệu để đáp ứng những mục tiêu khoa học của nhiệm vụ. Nhưng khối lượng mẫu vật mà OSIRIS-Rex mang về đã vượt qua con số này trước cả khi NASA mở hoàn toàn hộp chứa mẫu vật mang tên Touch-and-Go Sample Acquisition Mechanism (TAGSAM).

TAGSAM được tàu vũ trụ thả xuống sa mạc Utah, sau đó được vận chuyển đến Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA. Tại đây, trong một căn phòng sạch đặc biệt, các nhà khoa học tiến hành mở hộp chứa. Họ muốn giữ nó tránh xa mọi yếu tố ô nhiễm trên Trái Đất.

Tháng 10/2023, ngay khi mở hộp đựng lớn chứa TAGSAM, các nhà khoa học đã thu được 70,3 gram bụi và đất đá. Họ chưa thể mở TAGSAM để thu thập lượng mẫu vật bên trong vì hai chốt khóa bị kẹt. Vì vậy, họ phải tìm cách phát triển và thử nghiệm các công cụ mới mà không mang chất gây ô nhiễm vào.

Nhóm phụ trách đã thành công vào tháng 1 và mở hoàn toàn TAGSAM. Lượng mẫu vật tiểu hành tinh còn lại được lấy ra và cẩn thận đổ vào các hộp chứa. Họ thu được 51,2 gram mẫu vật từ lần đổ này. Cộng với 70,3 gram đã thu thập trước đó và các hạt được thu thập thêm ngoài quá trình đổ, tổng khối lượng mẫu vật tiểu hành tinh Bennu lên tới 121,6 gram. Đây là lượng mẫu vật tiểu hành tinh lớn nhất từng được thu thập trong không gian và gấp đôi yêu cầu của nhiệm vụ.

NASA sẽ bảo quản ít nhất 70% mẫu vật tại Trung tâm Vũ trụ Johnson để phục vụ những nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học trên thế giới. Từ kho lưu trữ tại Trung tâm Vũ trụ Johnson, mẫu vật Bennu sẽ được đóng gói và phân phối cho các nhà nghiên cứu phân tích. Trong nhiệm vụ OSIRIS-Rex, một nhóm gồm hơn 200 nhà khoa học quốc tế sẽ tìm hiểu các đặc tính của mẫu vật. Nhóm này bao gồm những chuyên gia từ nhiều viện nghiên cứu của Mỹ, Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), và các tổ chức khác.

Thu Thảo (Theo Phys)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022