
Bầu trời màu xanh là kết quả khi ánh sáng Mặt Trời tương tác với hạt nước và băng trong đám mây giông. Ảnh: Fox News
Theo IFL Science, các nhà khí tượng học nhận thấy sắc trời màu xanh lá cây thường báo hiệu đám mây bão chứa nhiều nước và băng, điều kiện hay gặp trong các cơn giông mạnh. Sự thay đổi màu sắc kỳ lạ này là do ánh sáng Mặt Trời lọc qua đám mây dày đặc và bị tán xạ bởi khí quyển, đôi khi tạo ra màu xanh lá cây đặc trưng.
Theo Scott Bachmeier, nhà khí tượng học nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison, mây xanh chỉ xuất hiện nếu đám mây rất sâu, điều chỉ xảy ra với đám mây giông. Đây là loại bão có thể tạo ra mưa đá và lốc xoáy.
Vào ngày trời trong, ánh sáng Mặt Trời tương tác với phân tử không khí và hạt trong khí quyển Trái Đất, tán xạ bước sóng ngắn hơn như màu xanh dương hiệu quả hơn, đó là lý do tại sao bầu trời có màu xanh dương. Hiện tượng này được gọi là tán xạ Rayleigh. Bầu trời có thể có màu đỏ, cam và hồng vào lúc chạng vạng do Mặt Trời nằm ở vị trí rất thấp trên bầu trời vào buổi hoàng hôn và bình minh, khiến ánh sáng Mặt Trời phải đi qua lớp khí quyển dày hơn nhiều. Điều này khiến các bước sóng dài hơn của ánh sáng khả kiến như màu hồng và đỏ bị tán xạ và nhìn thấy.
Các cơn giông nhiều khả năng xảy ra vào buổi chiều hoặc tối nhất vì đây là thời điểm nóng ẩm nhất trong ngày, nhiệt và nước là hai thành phần chính cần thiết cho một cơn bão năng lượng cao. Phía sau tất cả đám mây, cơn giông thường có nền là hoàng hôn màu đỏ. Sự dồi dào của nước trong đám mây bão đang hình thành cũng có thể tạo ra hiệu ứng tán xạ ánh sáng, khiến đám mây phát sáng màu xanh dương. Khi đám mây xanh dương được chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ, nó có thể làm cho bầu trời chuyển thành màu xanh lá cây.
Thời tiết bão tố không phải là điều kiện duy nhất có thể thay đổi màu sắc của bầu trời Trái Đất. Các vụ phun trào núi lửa phun ra hàng loạt tro, bụi, khí và aerosol vào bầu khí quyển cũng có tác dụng tán xạ ánh sáng Mặt Trời. Trong điều kiện thích hợp, chúng có thể làm cho bầu trời buổi tối phát sáng các sắc màu xanh dương, cam hoặc thậm chí màu tím.
Phun trào núi lửa có khả năng ảnh hưởng đến bầu trời trên quy mô toàn cầu trong thời gian dài. Vào ngày 22/6/2019, núi lửa Raikoke ở Nga phun trào lần đầu tiên sau gần một thế kỷ. Vụ phun trào rất ngắn nhưng dữ dội, phun cột tro và lưu huỳnh dioxide lớn vào tầng bình lưu. Hai tháng sau, nhiếp ảnh gia ở dãy núi Rocky của bang Colorado ở Mỹ nhận thấy bình minh buổi sáng có màu tím bất thường. Các nhà khoa học tại Đại học Colorado Boulder sử dụng khinh khí cầu thời tiết ở độ cao lớn để xác nhận vụ phun trào Raikoke và luồng hạt trong không khí mà nó tạo ra là nguyên nhân chính.
An Khang (Theo IFL Science, Đại học Wisconsin-Madison)