"Huawei đã phải thay đổi và mở rộng trọng tâm kinh doanh trong thập kỷ qua do nhiều áp lực bên ngoài tác động", Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách thị trường Trung Quốc tại công ty tư vấn Albright Stonebridge Group, cho biết trên CNBC.

Công ty tham gia vào hàng loạt lĩnh vực, từ ôtô thông minh, hệ điều hành đến các công nghệ cần thiết cho sự bùng nổ AI như chip tiên tiến, trung tâm dữ liệu, chip và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). "Không công ty công nghệ nào có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mức độ phức tạp cao và rào cản gia nhập lớn như vậy", Triolo nhận xét.

Đầu năm nay, Jensen Huang, CEO Nvidia, gọi Huawei là "một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới". Ông cũng cảnh báo Huawei có thể thế chỗ Nvidia tại Trung Quốc nếu Washington tiếp tục hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu chip sang quốc gia châu Á này.

Nham-Chinh-Phi-7893-1661396208-9383-3086-1753195803.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=km-7WmDhlPDN8dziC-0Q7w

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei. Ảnh: Reuters

Thành lập tại một căn hộ ở Thâm Quyến năm 1987, Huawei ban đầu là nhà phân phối thiết bị chuyển mạch điện thoại nhỏ. Dưới sự dẫn dắt của ông Nhậm Chính Phi, công ty sau đó mở rộng sang lĩnh vực viễn thông và vươn lên nhờ nhắm vào các thị trường ít sôi động hơn như châu Phi, Trung Đông, Nga, Nam Mỹ, rồi mới xâm nhập những khu vực lớn như châu Âu.

Đến 2019, Huawei đã chuẩn bị tốt cho làn sóng mạng 5G toàn cầu, trở thành một trong những công ty dẫn đầu thị trường. Công ty cũng trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, thậm chí thiết kế chip điện thoại thông qua công ty con HiSilicon. Giữa lúc đó, hãng chịu tác động nặng nề khi bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, không thể kinh doanh với các công ty từ nước này. Lệnh hạn chế bổ sung năm 2020 tiếp tục ngăn họ hợp tác với nhà sản xuất chip TSMC. Năm 2021, mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei - từng mang lại doanh thu lớn nhất - giảm một nửa so với năm trước đó xuống còn 34 tỷ USD.

Tuy nhiên, hãng bắt đầu phục hồi vào năm 2023 khi tung ra smartphone Mate 60 Pro chứa chip tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc. Mẫu chip 5G này gây sốc vì cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Huawei mà không cần TSMC.

Công ty của Nhậm Chính Phi được cho là đã hợp tác với nhà sản xuất chip nội địa SMIC, vốn cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ. Giới phân tích nhận định quy mô sản xuất của Huawei và SMIC bị hạn chế, nhưng sự kiện ra mắt Mate 60 Pro đã đánh dấu bước ngoặt lớn, cho thấy họ đã trở lại cuộc đua.

Cũng trong năm 2023, hãng công bố Ascend 910B, chip hiệu suất cao kế nhiệm dòng Ascend 910 từ năm 2019. 910B nhanh chóng trở thành sản phẩm chủ lực, tận dụng khoảng trống Nvidia để lại do lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Hiện phiên bản nâng cấp 910C cũng đang bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Tháng 4, Huawei ra mắt AI CloudMatrix 384, hệ thống liên kết 384 chip Ascend 910C thành một cụm trong trung tâm dữ liệu, được giới phân tích đánh giá có thể tốt hơn GB200 NVL72 của Nvidia ở một số chỉ số. Hãng cũng phát triển hệ thống phần mềm Cann, hoạt động như một giải pháp thay thế cho nền tảng Cuda của Nvidia.

Nói với People's Daily hồi tháng 6, ông Nhậm Chính Phi cho rằng chip Ascend đang theo sau đối thủ Mỹ, nhưng công ty đã tìm ra cách cải thiện hiệu suất. Ông cho biết Huawei đang đầu tư 25,07 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển mỗi năm.

Theo các chuyên gia, bình luận của ông phản ánh quan điểm rằng Mỹ đã không thể ngăn cản tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

108109845-1741010682393-Huawei-2009-8241-1753195803.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3Y_KgrCDJHw-lavVOWM3tA

Gian hàng của Huawei tại sự kiện Mobile World Congress 2025 ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: CNBC

Phát triển chip chỉ là một phần trong tham vọng lớn hơn về trí tuệ nhân tạo của Huawei. Họ hiện tham gia toàn bộ chuỗi giá trị AI, từ chip, điện toán, đến mô hình và ứng dụng. Thực tế, mảng kinh doanh "Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông" của công ty, bao gồm triển khai mạng di động 5.5G và hệ thống AI dùng trong công nghiệp, đã trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của công ty, đạt 362 tỷ nhân dân tệ năm 2023.

Pangu, mô hình do hãng thiết kế, hỗ trợ nhiều ứng dụng chuyên biệt trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, công nghiệp và ôtô. Năm qua, Pangu được ứng dụng trong hơn 20 ngành công nghiệp.

Theo Jack Chen, Phó chủ tịch marketing mảng năng lượng Huawei, để triển khai các ứng dụng AI như vậy, nhân viên kỹ thuật thường phải làm việc nhiều tháng tại địa điểm dự án, kể cả những mỏ than xa xôi. Hồi tháng 5, công ty thu hút sự chú ý khi đưa vào hoạt động 100 xe tải khai thác tự động chạy bằng điện tại mỏ than lộ thiên Yimin. Dịch vụ đám mây lái xe tự động thương mại (CVADCS) của Huawei cho phép theo dõi thời gian thực và tối ưu hóa lộ trình, giảm thời gian nhàn rỗi của xe tải.

Ông Chen chia sẻ, không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, công nghệ này có thể được áp dụng quy mô lớn ở Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương.

Patrick Moorhead, nhà sáng lập Moor Insights and Strategy, dự đoán Huawei sẽ thúc đẩy "hệ sinh thái chip Ascend" và trong 5-10 năm tới, công ty có thể bắt đầu chiếm thị phần đáng kể ở nhiều quốc gia, tương tự cách họ làm với mảng kinh doanh viễn thông.

Thu Thảo tổng hợp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022