VNE-River-5653-1661575021.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N31ktdF0DWVDATWHVbbysA

Sự thay đổi của sông Dương Tử qua các năm. Ảnh: Copernicus Sentinel

Mùa hè năm nay, với lượng mưa ít hơn gần nửa so với thông thường, sông Dương Tử trải qua mực nước thấp kỷ lục, một số khúc sông và hàng chục phụ lưu cạn trơ đáy. Mất đi dòng nước cung cấp cho hệ thống thủy điện khiến tỉnh Tứ Xuyên rơi vào cảnh không có điện. Hơn 80% nguồn điện của tỉnh đến từ thủy điện.

Ảnh chụp từ vệ tinh Copernicus Sentinel-2 so sánh sông Dương Tử và sông Gia Lăng ở gần Trùng Khánh vào tháng 8 năm 2020, 2021 và 2022. Nhiệt độ cao hơn thông thường khiến nước sông bốc hơi mạnh hơn, kết hợp với lượng mưa khan hiếm, dẫn tới mực nước hạ thấp và vận chuyển phù sa tới hạ lưu giảm đi. Đó là lý do màu sắc sông Dương Tử vào tháng 8 năm nay khác biệt đáng kể. Một số khu vực khô hạn và lòng sông lộ ra ở phía tây Trùng Khánh.

Nhiều dòng sông lớn trên thế giới đang khô cạn do ảnh hưởng của nắng nóng, bao gồm sông Rhine và sông Po ở châu Âu cùng với sông Colorado ở Mỹ. Sentinel-2 là nhiệm vụ bao gồm 2 vệ tinh phủ sóng và cung cấp dữ liệu cần thiết cho chương trình Copernicus của châu Âu. Việc vệ tinh thường xuyên bay qua một khu vực và độ phân giải cao cho phép theo dõi sát sao thay đổi ở các vùng nước và độ đục, hé lộ mức độ ô nhiễm của sông ngòi trên thế giới.

Là dòng sông quan trọng nhất Trung Quốc, sông Dương Tử cung cấp nước cho 400 triệu người dân cũng như thủy điện và các tuyến đường thủy. Đây là dòng sông dài thứ ba trên thế giới. Trong năm nay, lưu vực sông Dương Tử nhận được lượng mưa thấp hơn 45% so với mức trung bình. Đợt nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc hiện nay được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài tới tháng 9.

Trung Quốc đang thử nghiệm gieo mây, một kỹ thuật biến đổi thời tiết, để tạo mưa ở một số vùng trồng hoa màu. Kỹ thuật này sử dụng iod bạc hoặc hạt tinh thể khác đóng vai trò như hạt nhân để giọt mưa hình thành. Cộng đồng khoa học vẫn chưa thống nhất về mức độ hiệu quả của phương pháp này.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022