Vết lóa bắn ra từ bề mặt Mặt Trời hôm 26/8. Ảnh: NASA
Vệt đen AR3089 đang nứt thành hàng loạt vết lóa mặt trời cấp M (cấp trung bình), trang SpaceWeather.com hôm 26/8 đưa tin. Đài quan sát Động lực học Mặt Trời của NASA ghi hình một vết lóa đặc biệt mạnh vào 18h16 tối cùng ngày khi nhiều cộng đồng dân cư ở châu Âu và châu Phi bị mất tín hiệu vô tuyến trong thời gian ngắn. Lóa mặt trời là những vụ phun trào từ trường khổng lồ xảy ra ở một khu vực trong khí quyển Mặt Trời và bắn ra bức xạ điện từ như tia X, ánh sáng khả kiến và tia cực tím.
Một cơn phun trào cực quang khổng lồ chứa hạt tích điện có thể bắn tới Trái Đất vào ngày 29/8, tạo ra cực quang quanh Vòng cực Bắc, theo thông báo của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ.
Mặt Trời đang hoạt động mạnh trong thời gian này, tạo ra thời tiết vũ trụ mạnh mở đầu cho giai đoạn cực đại trong chu kỳ hoạt động 11 năm. Phần lớn thời tiết vũ trụ tạo ra cực quang tuyệt đẹp với người dân trên Trái Đất và phi hành gia trên quỹ đạo. Nhưng một số cơn bão cực mạnh có thể gây hại cho mạng lưới dây điện, vệ tinh và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Mặt Trời có xu hướng dữ dội khi tiến gần đến giai đoạn hoạt động cực đại với các vệt đen loang rộng trên bề mặt cùng những đường sức từ vặn xoắn và va đập. NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và nhiều nước đang theo dõi thời tiết vũ trụ 24/7 để cung cấp giải pháp bảo vệ tốt nhất có thể cho Trái Đất, các nhà quản lý vệ tinh và phi hành gia làm việc trên quỹ đạo.
An Khang (Theo Live Science)