Đàn vẹt đào hang sống trên vách đá El Cóndor. Video: CNN
Vách đá El Cóndor đóng vai trò như khu vực làm tổ của loài vẹt từng phổ biến trên khắp Nam Mỹ, nhưng hiện nay số lượng vẹt đào hang đang giảm dần. Nguồn thức ăn của chúng ở vùng Argentine Monte đang biến mất nhanh hơn rừng mưa Amazon. Vùng đất cỏ sa mạc và cây bụi này đang chịu ảnh hưởng từ nạn chặt phá rừng.
Tên gọi của vẹt đào hang đến từ tập tính xây tổ trên vách đá cát kết của chúng. Những chiếc hang có thể sâu tới 3 m. Với bộ lông màu xanh lá cây và khoang màu trắng quanh mắt, vẹt đào hang trở nên nổi bật giữa vách đá trông ra Đại Tây Dương. Vẹt đào hang phải bay 3 tiếng từ tổ để tìm hạt cây và quả mọng đem về cho con non. Mỗi năm, chúng lại di chuyển xa hơn để kiếm ăn. Ước tính vẹt trưởng thành bay tới 264 km mỗi ngày, theo các nhà khoa học ở Đại học Justus Liebig tại Giessen, Đức. Hơn thế, mối đe dọa từ con người và ngành du lịch trong vùng khiến việc sinh tồn trở nên khó khăn hơn đối với đàn vẹt.
Đạo diễn Kevin Zaouali, người phụ trách chương trình "Patagonia: Life on the Edge of the World" của CNN và đoàn quay phim đã dành 20 ngày ở cùng đàn vẹt. Họ cho biết vẹt đào hang là con mồi của chim cắt lớn, loài chim nhanh nhất hành tinh. Chim cắt có thể đạt tốc độ 386 km/h khi sà xuống bắt mồi. Một số con vẹt non trong tổ tò mò trong lúc chờ bố mẹ đem thức ăn về và rơi xuống chân núi nếu lang thang quá xa, trở thành mồi cho động vật ăn thịt như chim cắt.
Vách đá cát kết cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với quần thể. Những khối đá lớn thỉnh thoảng lăn xuống từ mặt vách đá, giết chết vẹt ở bên trong. Nhưng đàn vẹt vẫn quay về mỗi năm sau khi trải qua mùa đông ở phương bắc bởi chúng ưa thích bề mặt khô cằn của vách đá dọc bờ biển Đại Tây Dương. Do bộ lông rực rỡ, vẹt đào hang cũng bị săn bắt làm vật nuôi hoặc bị giết do ăn hoa màu. Chúng rất dễ bị ảnh hưởng nếu con người đến gần môi trường sống của chúng.
Zaouali lo ngại quần thể vẹt lớn nhất trên Trái Đất và nhiều loài động vật khác có thể sẽ biến mất dần nếu chính quyền Patagonia không xúc tiến những biện pháp bảo vệ chúng.
An Khang (Theo CNN)