vat-the-nghi-la-thien-thach-giua-ban-ngay-1657195196.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QIMeZSocbH_ewKGQErbcSw
Vật thể nghi là thiên thạch giữa ban ngày

Camera hành trình ghi lại khoảnh khắc vệt sáng lao xuống bầu trời New Zealand. Video: Curtis Powell

Các nhà khoa học cho rằng khả năng cao âm thanh và vệt sáng mà người dân chứng kiến chiều 7/7 bắt nguồn từ một thiên thạch. Các nhà địa chấn học tại tổ chức Geonet thu được tín hiệu có thể là sóng âm thanh từ vật thể, trong khi các nhà khoa học tại cơ quan thời tiết Met Service của New Zealand cũng tin rằng họ đã ghi nhận được vật thể này hoặc vệt khói của nó trên radar.

Camera hành trình của thợ sửa ống nước Curtis Powell ghi hình vệt sáng lao qua bầu trời khi anh đang lái xe ở phía bắc thị trấn Shannon, Đảo Bắc, lúc 13h39. "Chúng tôi đang lái xe để làm việc ở Shannon thì nhìn thấy một vệt màu xanh lam lao xuống từ trên trời, sau đó là một luồng sáng lớn", anh kể lại.

Nhiều người nhầm tưởng tiếng ầm ầm nghe được bắt nguồn từ một trận động đất. "Chúng tôi đã nghĩ đó là một trận động đất, nhưng có vẻ không đúng lắm. Âm thanh giống như từ một chiếc xe tải hạng nặng rất lớn đi qua, nhưng không có chiếc xe tải nào gần nhà chúng tôi vào thời điểm đó. Ngôi nhà cũng rung nhẹ", một người dùng chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.

Tiến sĩ Duncan Steel, nhà khoa học vũ trụ từng làm việc cho NASA, cho rằng vật thể lạ có khả năng là một mảnh thiên thạch, và việc nhìn thấy mảnh thiên thạch vào ban ngày rất hiếm. "Trong đời mình, tôi mới chỉ nhìn thấy một mảnh thiên thạch vào ban ngày. Chúng lao vào khí quyển rất nhanh, thường khoảng 30 km mỗi giây. Để có thể thấy khi trời sáng, chúng phải khá lớn, tương đương một quả bóng bầu dục hoặc hơn. Điều đó khiến chúng trở nên rất hiếm", ông giải thích.

Một số nhân chứng nghe thấy tiếng răng rắc khi vật thể di chuyển trên bầu trời. Steel cho biết, có thể đây là âm thanh điện (electrophonic sound). Các thiên thạch và điện tích kèm theo có thể khiến tóc của một số người dựng đứng, theo chuyên gia Allan Gilmore tại Đài quan sát Mt John thuộc Đại học Canterbury. "Những người có tóc xoăn xù thường nghe thấy nó, còn người khác thì không", Gilmore nói.

Tiến sĩ Ian Griffin, giám đốc Bảo tàng Otago, kêu gọi người dân lưu lại mọi video và ảnh chụp. "Chúng tôi có thể sử dụng chúng để tìm ra vị trí của vật thể cũng như nơi nó hạ cánh - nếu có. Việc thu hồi nó có thể rất quan trọng về mặt khoa học. Thiên thạch ở New Zealand khá hiếm nên sẽ rất tuyệt nếu thu được một mảnh", ông nói.

Thu Thảo (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022