VNE-Drug-7456-1583552528.jpg

Takeda cho biết nếu thử thành công, công ty có thể cung cấp thuốc cho bệnh nhân trong khoảng 9 - 18 tháng nữa. Ảnh: Reuters.

Thuốc thử nghiệm của công ty sẽ được điều chế từ huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã bình phục. Các nhà nghiên cứu hy vọng kháng thể từ người đã khỏi có thể tăng cường hệ miễn dịch ở bệnh nhân mới và đánh bại virus. Liệu pháp tương tự cho hiệu quả cao trong công tác điều trị một số bệnh hô hấp cấp tính nặng do virus khác.

"Chúng tôi không biết chắc sản phẩm có hiệu quả không nhưng chúng tôi cho rằng đó là phương pháp phù hợp và có thể giúp ích ở đây", tiến sĩ Rajeev Venkayya, giám đốc kinh doanh vaccine của Takeda, chia sẻ.

Takeda huy động khoảng 40 nhân viên làm việc trong dự án và mới chuyển ý tưởng thành chương trình cụ thể trong vài tuần qua. Nếu thử nghiệm thành công, công ty sẽ cung cấp thuốc cho bệnh nhân trong vòng 9 - 18 tháng nữa.

Công ty có lịch sử phát triển những sản phẩm kháng thể từ huyết tương gọi là globulin miễn dịch. Takeda đang tìm cách cho ra đời globulin siêu miễn dịch điều trị nCoV, với mật độ kháng thể cao hơn nhằm vào một mầm bệnh cụ thể như virus. Công ty đang tìm kiếm huyết tương hiến tặng bởi người nhiễm nCoV đã khỏi bệnh.

"Những người này là bệnh nhân có hệ miễn dịch khỏe mạnh", tiến sĩ Chris Morabito, trưởng phòng nghiên cứu và phát triển của Takeda. "Họ bình phục sau khi mắc bệnh. Họ tạo ra kháng thể. Chúng tôi muốn sử dụng kháng thể đó để sản xuất thuốc".

Takeda sẽ đặt tên cho phương pháp điều trị mới là TAK-888 nhưng đại diện công ty tiết lộ chỉ có thể sử dụng huyết tương của một người khỏi bệnh cho một bệnh nhân đang chữa trị nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Huyết tương là chất lỏng đưa tế bào máu, chất dinh dưỡng và hormone qua mạch máu, chiếm 55% thể tích máu. Huyết tương cũng chứa kháng thể, protein cơ thể sản sinh để tiêu diệt virus hoặc vi khuẩn khi gây viêm nhiễm. Nếu chưa bao giờ tiếp xúc với virus hoặc vi khuẩn trước đây như người nhiễm nCoV, bệnh nhân sẽ không có bất kỳ kháng thể nào và bị ốm trong thời gian virus xâm nhập vào cơ thể. Việc tiêm kháng thể từ người khỏi bệnh cho bệnh nhân đang điều trị sẽ giúp tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh tốc độ bình phục. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định liệu pháp huyết tương rất quan trọng và đáng thử nghiệm.

Trước đó, các bác sĩ Trung Quốc đã dùng huyết tương trong bệnh viện nhưng chưa phát triển loại thuốc có thể sử dụng rộng rãi hơn. Hồi tháng 2, giới chức y tế kêu gọi người mắc Covid-19 đã bình phục hiến huyết tương. Ít nhất 11 bệnh nhân ở một bệnh viện tại Vũ Hán đã được truyền huyết tương vào ngày 17/2 và cho kết quả khả quan.

An Khang (Theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022