Nhiệm vụ "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) ở Việt Nam" do Viện Pasteur TPHCM là cơ quan chủ trì, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp thực hiện. Nhiệm vụ này được triển khai trên cả nước, trong đó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chịu trách nhiệm ở các tỉnh miền Bắc, Viện Pasteur TPHCM chịu trách nhiệm chung và triển khai ở các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. 

Đề tài thuộc 4 nhóm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đã được Bộ phê duyệt. Quỹ đổi mới sáng tạo của tập đoàn Vingroup (Vinif) hỗ trợ phần kinh phí để triển nội dung nghiên cứu ở các tỉnh phía Bắc. Vinif và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dự kiến sẽ ký hợp đồng tài trợ vào ngày 20/2 tới.

Đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đồng tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan mạnh, mức độ báo động toàn cầu.

benhviendachien-50-1582015490-2814-1582016126.jpg

Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, nơi tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm nCoV.  Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tài trợ này không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp, mà giải quyết yêu cầu của xã hội. Ngân sách nhà nước đã sẵn sàng cân đối để xử lý các yêu cầu cấp bách nhằm phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, tuy nhiên sự tham gia kịp thời của Vinif trong thời điểm này rất đáng trân trọng.

"Đây là ví dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng, không chỉ là các đơn vị nghiên cứu của Nhà nước, mà cả đơn vị nghiên cứu tư nhân, có sự tham gia tài trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển trên nền tàng công nghệ", ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.

Nhiệm vụ nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 tại Việt Nam được thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2021, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TPHCM làm chủ nhiệm đề tài.

Nhóm nghiên cứu có nhiệm vụ cung cấp bức tranh chung về Covid-19 thông qua điều tra dịch tễ, virus ở người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần. Các nhà khoa học cũng sẽ xây dựng quy trình lấy và xét nghiệm Covid-19 ở mẫu bệnh phẩm; xây dựng quy trình lấy mẫu cụ thể cho từng loại bệnh phẩm phù hợp cho xét nghiệm phát hiện RNA của virus Covid-19; khảo sát tính ổn định của chủng Covid-19 và ước tính tỷ lệ huyết thanh học kháng Covid-19 ở người lớn tham gia hiến máu. Đặc biệt, việc xây dựng quy trình nuôi cấy và phân lập chủng Covid-19 cũng được chú trọng, góp phần đi sâu nghiên cứu về đặc điểm virus, cung cấp vật liệu cho việc nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc, test kít chẩn đoán.

Theo ông Hùng, các kết quả nghiên cứu rất quan trọng, phục vụ cho việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị, xác định được bản đồ dịch tễ học, nguồn lây truyền, yếu tố nguy cơ của bệnh nhất là nội dung nghiên cứu về nuôi cấy, phân lập virus sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022