Ngày 7/2, ông Trần Văn Bằng, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam cho biết cơ quan này vừa công bố kết quả nghiên cứu động vật mới nhất tại Vườn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó có 23 loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất đã được ghi nhận trong năm đợt khảo sát bẫy ảnh từ 2018-2022. Trong số này có nhiều loài quý hiếm, như: gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà so họng trắng, đuôi cụt đầu xám, đuôi cụt đầu xanh, cheo cheo lưng bạc, sơn dương, nai...

Ga-loi-hong-tia-JPG-1738912013-5730-1738916649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=daVgC4ij0Gpox77_2YSwfA

Gà lôi hông tía (Lophura diardi) trong rừng bán khô hạn ở Vườn quốc gia Núi Chúa. Ảnh: Leibniz-IZW / Nui Chua NP/SIE

Trước đó, vào năm 2018, Vườn quốc gia Núi Chúa đã thu hút sự chú ý của giới khoa học khi loài cheo cheo lưng bạc hay cheo cheo Việt Nam (Tragulus versicolor), một loài thú chỉ được ghi nhận ở Việt Nam, được tái phát hiện tại đây sau gần 30 năm biến mất.

Sau đó, nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Đức đến từ Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE), Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW, Đức) và Vườn quốc gia Núi Chúa đã thực hiện năm đợt khảo sát với 145 điểm bẫy ảnh để tìm kiếm loài cheo cheo lưng bạc.

Cheo-cheo-lung-bac-JPG-1738914-1236-2905-1738916649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3vpPL6xWHtuP2gjpsz9QwA

Cheo cheo lưng bạc được phát hiện tại Vườn quốc gia Núi Chúa, năm 2022. Ảnh: Leibniz-IZW/Nui Chua NP/SIE

Trong quá trình tìm dấu vết loài cheo cheo này, các chuyên gia đã ghi nhận thêm số lượng lớn các loài khác trong rừng. Điều đó đã thúc đẩy nhóm nghiên cứu mở rộng đối tượng từ một loài riêng lẻ sang quần thể các loài thú và chim sống trên mặt đất tại Vườn quốc gia Núi Chúa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, gà lôi hông tía (Lophura diardi) là một trong những loài được ghi nhận nhiều nhất ở Vườn quốc gia Núi Chúa tại kiểu sinh cảnh chuyển tiếp. Loài này được chụp ảnh ở hầu như tất cả các vị trí khảo sát bẫy ảnh.

Hay như Triết bụng vàng (Mustela kathiah), loài thú ăn thịt nhỏ, thường phân bố ở kiểu rừng lá rộng thường xanh trên cao nhưng vẫn được ghi nhận ở kiểu sinh cảnh chuyển tiếp ngay cạnh bờ biển Núi Chúa.

Tương tự, gà so họng trắng (Arborophila brunneopectus) chỉ có thể được tìm thấy ở rừng lá rộng thường ở độ cao lớn, nhưng tại Vườn quốc gia Núi Chúa có nhiều ghi nhận về loài này nằm ở sinh cảnh chuyển tiếp có độ thấp...

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ đa dạng loài cao nhất được tìm thấy tại kiểu sinh cảnh chuyển tiếp, hay còn gọi là rừng bán khô hạn. Sự đa dạng các loài đạt mức cao nhất ở kiểu rừng bán khô hạn chuyển tiếp - dạng sinh cảnh trung gian giữa rừng mưa nhiệt đới và rừng khô hạn.

Theo Viện Sinh thái học Miền Nam, nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của sinh cảnh chuyển tiếp trong bảo tồn và sự cần thiết phải bảo vệ những diện tích rừng còn sót lại rất ít ở khu vực ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Do đó, việc bảo vệ kiểu sinh cảnh rừng bán khô hạn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

ga-so-hong-trang-jpg-173891215-2745-6842-1738916649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Na4IDdKruoTuwQ5FT0Fu6Q

Gà so họng trắng tại Vườn quốc gia Núi Chúa. Ảnh: Leibniz-IZW / Nui Chua NP/SIE

Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích 29.865 ha, trong đó hơn 22.000 ha trên đất liền là rừng tự nhiên đa dạng với hai kiểu rừng khô hạn ven biển và nhiệt đới ẩm - nơi trú ngụ của hơn 1.500 loài thực vật và hơn 750 loài động vật trên cạn, bao gồm nhiều loài nguy cấp, quý hiếm.

Đây là khu rừng khô hạn duy nhất ở Việt Nam và hiếm có tại khu vực Đông Nam Á, hội tụ đầy đủ ba không gian rừng, bán sa mạc và biển.

Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được Thủ tướng quyết định thành lập vào năm 2003. Tháng 4/2021, Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.

Việt Quốc

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022